Trang

17 thg 8, 2015

Khác xa so với kỳ vọng

Chủ nhật, 16/08/2015 - 08:42 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Nhiều thí sinh đến Trường ĐH Kinh tế quốc dân rút, nộp hồ sơ. Ảnh: QUÝ TÙNG
Nhiều thí sinh đến Trường ĐH Kinh tế quốc dân rút, nộp hồ sơ. Ảnh: QUÝ TÙNG

Chỉ còn bốn ngày nữa, thí sinh trên cả nước sẽ kết thúc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt một. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập của quá trình xét tuyển ĐH, CĐ đã cho thấy kỳ thi THPT quốc gia đã không đạt được những kỳ vọng mục tiêu đặt ra ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT).
Trường vất vả, thí sinh tất tả ngược xuôi
Một trong những kỳ vọng của Bộ GD và ĐT là kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” sẽ giảm tốn kém, bớt lo lắng, vất vả cho thí sinh, phụ huynh và xã hội. Nhưng thực tế lại không như vậy. Trong số hàng trăm thí sinh và phụ huynh đang ùn ùn đến Trường ĐH Kinh tế quốc dân rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng, chúng tôi gặp bác Đậu Thị Nguyên (59 tuổi ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), "tay xách, nách mang", nào túi giấy tờ, ba-lô quần áo, gương mặt tỏ rõ sự lo lắng. Qua trao đổi, được biết, bác vừa có một hành trình nam - bắc rất gian nan để nộp hồ sở ĐKXT cho con trai. Bác Nguyên cho biết, hai mẹ con vừa từ Vinh vào Nha Trang rút hồ sơ, rồi lại ra Hà Nội để ĐKXT cho kịp. Con trai bác là Vũ Duy Tữu có kết quả thi đạt 23 điểm và ĐKXT vào Trường Sĩ quan thông tin. Năm ngoái Trường Sĩ quan thông tin có điểm chuẩn là 19,5 điểm nên ngỡ rằng với số điểm trên, con bác có thể yên tâm ở ngưỡng an toàn. Nhưng sau ít ngày nộp hồ sơ, điểm số của các thí sinh tăng chóng mặt, lên ngưỡng 24,5 điểm mới trúng tuyển. Vậy là hai mẹ con bác vội vàng vào trường rút hồ sơ ra Hà Nội. Hành trình từ Vinh ra Hà Nội trên xe giường nằm, cả đêm bác không chợp mắt vì không biết rút, nộp hồ sơ ra sao để đỡ phải đi lại tốn tiền của. Quá trình vào Nha Trang bác đã phải vay tiền người thân. Cũng may, khi ra Hà Nội, bác Nguyên được người thân cho ăn ở nhờ và giúp đỡ quá trình đi ĐKXT cho nên đỡ vất vả phần nào. Nhưng điều đó cũng chưa hết lo. Cầm trên tay tờ ĐKXT của con trai, tất tả chuẩn bị ra bến xe cho kịp chuyến về quê, bác Nguyên phân trần trong ưu tư: Nhà ở xa nếu để gần đến hạn mới nộp hồ sơ, sợ không kịp, còn nộp trước thì không biết liệu cháu có trúng tuyển hay không mà cứ đi lại thế này thì vất vả quá.
Không chỉ bác Nguyên mà nhiều thí sinh, phụ huynh khi được hỏi đều có chung nỗi niềm khi rút, nộp hồ sơ, thay đổi nguyện vọng khá vất vả. Mặc dù Bộ GD và ĐT đã có công văn “chữa cháy”, cho phép các sở và trường THPT có thể tiếp nhận thay đổi ĐKXT của thí sinh, nhưng các em đều không yên tâm trước sự biến động hồ sơ và điểm số diễn ra từng giờ của các trường ĐH. Vì vậy, những ngày qua, phần lớn thí sinh, phụ huynh vẫn lựa chọn trực tiếp đến trường rút hồ sơ. Các trường ĐH đều sôi động với hàng trăm thí sinh rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng mỗi ngày. Điển hình như: Trường ĐH Kinh tế quốc dân sau ngày 10-8, ngày nào trường cũng có thí sinh đến rút hồ sơ ĐKXT, cao điểm sáng 14-8, có tới 200 yêu cầu rút hồ sơ; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hằng ngày có khoảng 500 đến 700 yêu cầu rút hồ sơ tại trường…
Trong khi thí sinh nhọc nhằn tìm kiếm cơ hội trúng tuyển, rút - nộp hồ sơ thì các trường ĐH cũng vất vả không kém, căng mình làm thủ tục ĐKXT. Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân luôn phải bố trí khoảng 30 cán bộ, giảng viên cùng hệ thống máy móc, thiết bị hoạt động tối đa để nhập hồ sơ và in giấy biên nhận nhanh chóng. Đặc biệt, do nhận nhiệm vụ tổ chức thi THPT quốc gia, cho nên suốt từ ngày 30-6 đến nay, các cán bộ làm thi, tuyển sinh của trường gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phải huy động khoảng 50 cán bộ, giảng viên làm việc liên tục, đáp ứng yêu cầu công tác xét tuyển. Ngoài ra, trường còn huy động lực lượng sinh viên tình nguyện tham gia giúp đỡ thí sinh quá trình rút nộp hồ sơ. Theo Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Nguyễn Phong Điền, công tác xét tuyển năm nay vất vả hơn các năm trước. Thông thường, các cán bộ tuyển sinh phải xử lý dữ liệu, nhập tên thí sinh đăng ký, xóa tên thí sinh rút, làm các thủ tục đến 7-8 giờ tối mới được nghỉ; ngày cao điểm đến 11 giờ đêm.
Rối nguyện vọng, làm thay đổi mục đích tuyển sinh
Cùng với mong muốn giảm tốn kém và áp lực thì quá trình xét tuyển ĐH, CĐ của kỳ thi “hai trong một” đưa ra mục tiêu, tạo cơ hội tối đa cho thí sinh trúng tuyển, khi quy định thí sinh có tới 16 nguyện vọng. Trong đó, riêng đợt một thí sinh được ĐKXT bốn nguyện vọng vào tối đa bốn ngành của một trường theo thứ tự ưu tiên từ một đến bốn. Theo Thứ trưởng GD và ĐT Bùi Văn Ga, nguyện vọng một năm nay sẽ không lo xảy ra tình trạng thí sinh ảo nhiều. Thí sinh chỉ có một nguyện vọng vào trường, nên trúng tuyển trường nào sẽ không đi trường khác được.
Tuy nhiên, quy định trên lại đang gây rắc rối cho các thí sinh và các trường. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cho phép thí sinh được chọn bốn ngành trong đợt một đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ, tạo nên thí sinh trúng tuyển ảo với số lượng nhiều khi hết hạn nộp hồ sơ và tiến hành xét tuyển. Vì quy định như trên, thí sinh điểm cao xuất hiện trong danh sách bốn ngành đẩy các thí sinh còn lại xuống thấp, làm cho các thí sinh này hoang mang vì số thứ tự của họ xuống xa hơn chỉ tiêu. Càng ngày, số lượng thí sinh điểm cao ĐKXT nhiều hơn, nên sự rối loạn càng tăng. Theo một cán bộ trong ban tuyển sinh, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, trường đang thật sự bối rối, bởi trong bốn ngành đăng ký của thí sinh, nếu lấy điểm chuẩn theo ưu tiên một đúng bằng chỉ tiêu xét tuyển của ngành, thì các ưu tiên hai, ba, bốn trở nên vô nghĩa. Còn nếu xác định điểm trúng tuyển của từng ngành không phân biệt ưu tiên, thì điểm chuẩn trúng tuyển thứ tự các ngành từ một đến bốn là bằng nhau, sẽ xảy ra tình trạng thí sinh ảo rất lớn, đồng nghĩa việc đánh đồng các nguyện vọng. Vấn đề rắc rối hơn, mỗi ngành sẽ có nhiều tổ hợp môn xét tuyển khác nhau, trong khi Bộ GD và ĐT thì yêu cầu điểm chuẩn của các tổ hợp phải có sự chênh lệch. Như vậy, sẽ có nhiều mức điểm chuẩn trong cùng một ngành, khiến thí sinh thấy rối loạn.
Mặt khác, với cách tuyển sinh lựa chọn nguyện vọng như năm nay sẽ làm thay đổi mục đích tuyển sinh. Những ngày vừa qua, phần lớn thí sinh ĐKXT theo thứ tự điểm số chứ không phải theo ngành nghề lựa chọn. GS, TS Nguyễn Quang Dong (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, ngay cả thí sinh điểm cao cũng không biết có bao nhiêu người điểm cao cùng sở thích ngành nghề để lựa chọn cơ hội ĐKXT. Vì vậy, thí sinh đang đặt ra bài toán ĐKXT để được vào trường chứ không phải ĐKXT theo lựa chọn ngành nghề muốn theo học. Như vậy, mục tiêu tuyển sinh được những thí sinh có năng lực theo nguyện vọng ngành nghề yêu thích và có sở trường, tạo sự phân luồng trong đào tạo là không đạt được. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD và ĐT chỉ nên cho thí sinh đăng ký một nguyện vọng trong một đợt ĐKXT nhằm tránh tình trạng ảo. Bởi, với quan điểm “không để học sinh điểm cao trượt đại học” mà quên đi sở trường, đam mê, yêu thích, thì sau này, khi các thí sinh tốt nghiệp ĐH, khó có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vấn đề tuyển sinh vào ĐH, CĐ dư luận rất quan tâm và nhiều ý kiến bức xúc. Vấn đề này, Bộ GD và ĐT khẳng định đã lường được và yên tâm. Nhưng thực tế vừa qua cho thấy, có những việc vẫn chưa lường được, chưa thể yên tâm. Do là việc mới, việc lớn lần đầu, nên điều đó cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, Bộ cần hết sức lắng nghe phản ánh của xã hội, của thí sinh, để có những giải pháp điều chỉnh thật nhanh, kịp thời trên tinh thần tất cả vì thí sinh.
VŨ ĐỨC ĐAM
Phó Thủ tướng Chính phủ
Ngày 16-8, Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận có công điện gửi hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ; giám đốc các sở GD và ĐT đề nghị, các trường, các địa phương cần huy động đủ nhân lực, tập trung phương tiện kỹ thuật, tăng thời gian làm việc để tiếp nhận ĐKXT, rút ĐKXT của thí sinh. Các trường ĐH, CĐ chỉ đạo cán bộ tham gia công tác tuyển sinh chủ động phân loại, sắp xếp, quản lý hồ sơ ĐKXT của các thí sinh có điểm thấp hơn mức điểm trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh để việc rút hồ sơ ĐKXT của các thí sinh được thuận lợi, nhanh chóng. Kịp thời phản ánh về Bộ GD và ĐT các vấn đề phát sinh để có giải pháp kịp thời.
MẠNH XUÂN, TÙNG ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét