Trang

24 thg 2, 2015

Ðổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015: Từ định hướng đến thực tế

Thứ ba, 03/02/2015 - 01:45 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Một cửa hàng sách trên phố Tràng Tiền, Hà Nội.          Ảnh: KỲ ANH
Một cửa hàng sách trên phố Tràng Tiền, Hà Nội.          Ảnh: KỲ ANH

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đang tiến hành xây dựng chương trình (CT) giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH T.Ư Ðảng, khóa XI (NQ 29) và Nghị quyết 88 của Quốc hội, khóa XIII. Tinh thần cốt lõi của việc đổi mới là chuyển nền giáo dục từ tập trung trang bị kiến thức sang định hướng giúp người học hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất.
Làm thế nào để có một bộ SGK đáp ứng được định hướng và yêu cầu đổi mới? Xin lấy môn Ngữ văn làm dẫn chứng.
Tuy định hướng đổi mới môn Ngữ văn hiện hành có chú ý đến phát triển năng lực cho HS, nhưng trên thực tế, CT và SGK vẫn nặng về cung cấp kiến thức, cụ thể là nội dung được thiết kế dựa vào danh sách tác phẩm, văn bản cụ thể, được sắp xếp chủ yếu theo trình tự thời gian, quy định chặt chẽ đối với từng lớp. Ðiều đó cho thấy, người xây dựng CT chú trọng đến "đầu vào", "nguyên liệu" của quá trình dạy học Ngữ văn, mà chưa quan tâm thỏa đáng đến "đầu ra" là HS có thể có được những năng lực, phẩm chất gì (năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ, năng lực tư duy, năng lực tưởng tượng và sáng tạo, năng lực tự học; lòng yêu thương con người, quê hương, đất nước, thiên nhiên,...). Tương thích với CT như vậy, SGK tập trung vào việc trang bị kiến thức (tách rời với hoạt động đọc, viết, nói và nghe) và cung cấp những thông tin có phần áp đặt về những tác phẩm, văn bản đã học. Kết quả, HS có khả năng học thuộc và bắt chước nhiều hơn là sáng tạo, năng lực giao tiếp hạn chế. Với sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố khác trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là các phương tiện giải trí trong bối cảnh công nghệ thông tin và điện tử phát triển từng ngày, SGK đã góp phần làm cho môn Ngữ văn ngày càng thiếu sức sống.
Ðể có được những bộ SGK, trước hết cần phải tập trung xây dựng được một CT tốt. Ðó phải là CT thiết kế trên cơ sở hình dung được kết quả đầu ra: một HS phổ thông sau khi học xong từng cấp học cần có những gì và làm được gì từ những điều đã học. Vấn đề "làm được gì" sẽ quyết định "cần học những gì", "dạy và học như thế nào". Cách tiếp cận CT như vậy khá mới đối với giới chuyên môn Việt Nam. Vì vậy, cần tập trung đủ nguồn lực, có thời gian thích hợp; học hỏi kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam.
Chính sách một CT, nhiều SGK vừa được thông qua là một bước tiến lớn, tạo không gian rộng lớn cho sáng tạo. Trên cơ sở một CT quốc gia, các nhóm tác giả SGK có thể biên soạn theo nhiều cách khác nhau, tạo nên một sự cạnh tranh lành mạnh, giúp người dạy và người học có nhiều lựa chọn. Song, xác định được mô hình SGK thích hợp không đơn giản. Ngoài việc chú ý kế thừa SGK hiện hành, về căn bản, cần phải tạo ra sự khác biệt rõ với những bộ SGK đã từng có ở Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, bộ SGK do Bộ GD và ÐT tổ chức biên soạn sẽ làm nhiệm vụ "dò đường", và là tài liệu tham khảo để biên soạn những bộ sách khác, có thể tốt hơn.
Trong sự đa dạng của nhiều bộ sách vẫn cần có những quy định chung, định hướng đổi mới. Trước hết là về hệ thống các kiểu, loại văn bản. Trong đời sống thực, chúng ta cần dùng những kiểu, loại văn bản nào nhất thì những kiểu, loại văn bản ấy cần phải được dạy trong nhà trường. Ngoài tác phẩm văn học, học sinh cần học cả văn bản thông tin, biết cách đọc, viết các bài viết về khoa học, lịch sử, kinh tế, văn hóa, môi trường; biết cách đọc, viết một bài luận về cá nhân trong hồ sơ xin nhập học, lá thư, báo cáo, hợp đồng, văn bản quảng cáo,... Các văn bản và tri thức công cụ để đọc, viết, nói và nghe cần được sắp xếp theo trình tự tăng dần độ khó, độ phức tạp, phù hợp với kinh nghiệm và quá trình phát triển tâm, sinh lý của người học. Theo cách đó, SGK sẽ giúp cho người học có hứng thú hơn với việc học vì các em thấy những gì được học gần gũi với đời sống và kinh nghiệm của bản thân; sẽ giúp giới trẻ yêu văn học hơn, có kỹ năng và hứng thú đọc sách hơn. Giáo viên phải có cách tiếp cận và phương pháp dạy học thích hợp để HS tìm thấy mối liên hệ giữa các em với các kiệt tác văn học của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Dù có thay đổi gì đi nữa thì việc dạy học Ngữ văn không thể xa rời chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ của văn học. Trên nền hệ thống các văn bản được sắp xếp một cách hợp lý, SGK cần trang bị cho HS các tri thức công cụ về văn học và tiếng Việt để tự các em đọc, viết, nói và nghe theo cách của mình, từng bước hình thành, phát triển các năng lực ngữ văn.
CÓ thể nói, từ định hướng đến thực tiễn đổi mới giáo dục thường có một khoảng cách. Khoảng cách đó nhiều hay ít tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cách xây dựng CT và biên soạn SGK là một yếu tố then chốt, cần phải giải quyết tốt ngay từ đầu.
PGS, TS BÙI MẠNH HÙNG
(Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét