Trang

14 thg 12, 2014

Một số điểm mới về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015

Thứ tư, 10/12/2014 - 09:52 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Ngày 10-12, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cho biết, sẽ có một số điểm mới về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2015. Trên cơ sở kế thừa kết quả việc tổ chức cụm thi những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ mở rộng cụm thi liên tỉnh.
Theo Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa, thực tế, học sinh đang học lệch theo các môn thi tốt nghiệp THPT và các khối thi tuyển sinh ÐH, CÐ do học sinh tự chọn. Ðể khắc phục một phần tình trạng này, Bộ GD và ÐT chỉ công bố môn thi vào ngày 31-3 hằng năm. Phương thức thi mới sử dụng kết quả bốn môn thi tối thiểu, kết hợp với kết quả học tập tất cả các môn học ở lớp 12 của học sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Ðề thi tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Thí sinh ở vùng khó khăn có thể xin thay môn Ngoại ngữ bằng một môn còn lại. Trước đây, môn thay thế do Bộ GD và ÐT chỉ định, nay học sinh được tự chọn. Bên cạnh đó, những thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ tương đương trình độ B1 trở lên hoặc chứng chỉ quốc tế (theo quy định của Bộ), dự kiến sẽ được miễn thi. Thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp sẽ được tính điểm tối đa (10 điểm). Năm 2015, Bộ GD và ÐT sẽ sắp xếp để không còn tình trạng phòng thi có quá ít thí sinh. Ðồng thời, Bộ GD và ÐT sẽ không tổ chức thi hai môn trong một buổi để tránh gây áp lực nặng nề cho thí sinh.
Ðiểm mới đáng chú ý của kỳ thi 2015 là việc tổ chức các cụm thi. Theo Bộ GD và ÐT, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm những năm trước đây, vấn đề tổ chức thi cụm sẽ được thay đổi, kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ mở rộng cụm thi liên tỉnh. Mỗi cụm thi bảo đảm tối thiểu có thí sinh của hai tỉnh trở lên được xếp ngồi thi chung với nhau nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh. Các cụm thi liên tỉnh sẽ do các trường ÐH phối hợp các Sở GD và ÐT tổ chức. Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD và ÐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh do các trường ÐH chủ trì. Các cụm thi đều theo quy định của quy chế và quy trình tổ chức thi giống nhau thống nhất trong toàn quốc. Trường ÐH chủ trì cụm thi phải là trường đã tổ chức cho nhiều thí sinh dự thi những năm trước và không có sai phạm gì. Ðịa điểm thi sẽ tổ chức tại các trường được giao chủ trì cụm thi.
Quá trình đăng ký dự thi của thí sinh thực hiện giống như dự thi ÐH, CÐ những năm trước, nhưng điểm mới năm nay là sẽ không đặt vấn đề thi vào trường nào mà chỉ đăng ký thi môn nào; nói rõ đăng ký thi ở cụm nào và mục đích dự thi để làm gì, gồm: chỉ để xét tốt nghiệp THPT hoặc chỉ để dự thi ÐH, CÐ (đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT) hoặc dùng cho cả xét tốt nghiệp và tuyển sinh ÐH, CÐ. Thí sinh đang học sẽ đăng ký dự thi tại trường THPT mà mình theo học, thí sinh tự do sẽ đăng ký ở những điểm thu hồ sơ do Sở GD và ÐT quy định.
Theo thống kê của Bộ GD và ÐT, phần lớn các trường đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, có 235 trường cho biết chỉ sử dụng kết quả kỳ thi THPT để tuyển sinh (135 trường ÐH và 100 trường CÐ) và 192 trường vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, vừa sử dụng kết quả học tập ở THPT để tuyển sinh. Trong đó, ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các ÐH vùng, trường ÐH trọng điểm, các trường thuộc khối công an, quân đội đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Bộ GD và ÐT đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ÐH, CÐ, lấy ý kiến rộng rãi để ban hành chính thức triển khai công tác thi năm 2015.
QUÝ TÙNG, GIANG SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét