Trang

24 thg 11, 2014

Giáo viên vùng cao vượt khó, bám trường

Thứ tư, 19/11/2014 - 09:53 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Học sinh điểm trường lẻ bản Háng Đồng C, Trường tiểu học Háng Đồng, huyện Bắc Yên.
Học sinh điểm trường lẻ bản Háng Đồng C, Trường tiểu học Háng Đồng, huyện Bắc Yên.

Hiện nay, đời sống của giáo viên ở vùng cao tỉnh Sơn La không còn đến mức phải cân đong đo đếm từng bữa ăn như trước nhưng phần lớn các thầy giáo, cô giáo vẫn phải công tác xa nhà, nhiều người hết thời hạn luân chuyển vẫn chưa được về, không được hưởng trợ cấp... Vượt qua những khó khăn đó, với lòng yêu nghề mến trẻ, họ vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường.
Giúp nhau vượt khó
Sơn La những ngày đầu đông thường mưa bất chợt, sương mù dày đặc, giáo viên phải gửi xe máy đi bộ đến điểm trường dạy học. Hết tuần, các thầy giáo, cô giáo lại trở về nhà để chăm sóc gia đình, chuẩn bị cho tuần công tác mới. Trong rất nhiều câu chuyện mà Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Sơn La Nguyễn Duy Hoàng kể cho chúng tôi nghe, dù khó khăn, vất vả, nguy hiểm, nhưng các thầy giáo, cô giáo luôn sẵn sàng giúp nhau, vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ "trồng người". Năm 2013, huyện Vân Hồ (Sơn La) được thành lập trên cơ sở một phần diện tích và số dân của huyện Mộc Châu. Trường THPT Thảo Nguyên (Mộc Châu) khi đó có ba giáo viên nằm trong danh sách luân chuyển công tác đến Trường THPT Mộc Hạ ở huyện mới, phân hiệu hai của Trường THPT huyện Vân Hồ. Ðể công bằng, nhà trường tổ chức bốc thăm. Trong ba giáo viên phải đi cơ sở thì một cô giáo có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, con nhỏ, chồng công tác xa. Thông cảm với hoàn cảnh gia đình cô giáo trẻ, thầy giáo Vi Viết Sự, người dân tộc Thái (Tổ Ngữ văn, hơn 50 tuổi, bị bệnh gút nhiều năm) đã xung phong đi thay.
Thầy giáo Ðặng Văn Bắc, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Xùa (Bắc Yên) cho biết: Trường có 34 cán bộ, giáo viên, phần lớn là người ở trung tâm huyện. Kết thúc một ngày giảng dạy, có người ở lại, có người phải về do con còn nhỏ.
Tiếp lời thầy Bắc, cô giáo Chu Thị Hương kể, năm 2001, cô dạy học ở Trường tiểu học Xím Vàng, cách trung tâm huyện 30 km, toàn phải đi bộ. Thầy Ðặng Văn Bắc cũng dạy học ở Xím Vàng tám năm và cũng có một thời gian dài đi bộ. Các thầy giáo, cô giáo dạy học ở các xã vùng cao khi hết "nhiệm kỳ" đều mong muốn về lại nơi mình đã đi, đồng thời được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng, nhưng điều đó không thể thực hiện được vì quyết định công tác 5 năm đã hết hiệu lực. Ở đây, phần lớn giáo viên là nữ, nhưng lại là "trụ cột" trong gia đình vì con còn nhỏ, chồng đi công tác ở vùng xa hơn, cuối tuần hoặc cuối tháng mới về được. Mỗi người đều phải tự tìm cách giải cho bài toán khó này. Hình ảnh các cô giáo "đem" con đến trường từ sớm tinh mơ để kịp lên bản dạy học không phải là hiếm...
Cô giáo Trần Thị Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Măng Non (Hang Chú, Bắc Yên) phải đi dạy học ở nơi khá xa xôi, vất vả. Trường mầm non nơi cô công tác cách trung tâm huyện 86 km, trong đó có hơn 30 km đường đất, trời mưa phải đi bộ. Một tuần cô Thắng về nhà một lần. Những khi con ốm, có việc gấp ở huyện, cô phải về trong đêm. Trường có sáu điểm lẻ, nơi xa nhất cách điểm trường chính 15 km. Tháng nào cô Thắng cũng phải đến điểm trường lẻ một đến hai lần để phát tiền ăn cho học sinh, kiểm tra công tác giảng dạy. Chồng cô Thắng làm nhân viên kỹ thuật của Công ty Mobifone, phải đi công tác thường xuyên. Thời điểm cô Thắng lên Hang Chú giảng dạy, đứa con đầu lòng mới ba tuổi. Ðến năm thứ hai, con biết gọi điện thoại "mẹ ơi về đi", mọi người nghe thấy đều rơm rớm nước mắt... Ngày 20-11 năm nay, cô giáo Thắng được vinh danh là cán bộ tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn vì có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục.
Cần thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với giáo viên vùng cao
Trước những khó khăn, vất vả của cán bộ, giáo viên vùng cao, ngày 23-2-2013, Chính phủ có Nghị định số 19/2013/NÐ-CP (Nghị định số 19) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NÐ-CP ngày 20-6-2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, Ðiều 8 về phụ cấp thu hút quy định: Tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nhưng thôi không hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Ðiều 5 Nghị định số 116/2010/NÐ-CP ngày 24-12-2010.
Quy định rất rõ ràng, nhưng qua khảo sát thực tế, tại một số xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, chúng tôi thấy, nhiều giáo viên công tác hết thời gian 5 năm không chỉ chưa về được mà còn không được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% lương hiện hành. Ngoài ra, một số người mới đi nhưng nếu không có quyết định bằng văn bản thì cũng không được hưởng phụ cấp thu hút, như các cô giáo: Lò Thị Thiêm, Nguyễn Thị Hoàn (Trường mầm non Tà Xùa); Chu Thị Hương, Ðỗ Thị Liên, Hoàng Thị Ngọc (Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Xùa); Cầm Thị Thành (Trường mầm non Măng non Hang Chú)...
Ðề cập vấn đề luân chuyển giáo viên đi công tác ở các xã đặc biệt khó khăn, Phó Trưởng phòng GD và ÐT huyện Bắc Yên Vũ Xuân Hùng thừa nhận: Bắc Yên là một trong năm huyện khó khăn nhất của tỉnh Sơn La. Ở đây, điều kiện dân trí còn thấp, kinh tế khó khăn, địa hình phức tạp, nhiều dốc cao, suối sâu, cho nên việc đi lại của nhân dân và giáo viên khá vất vả. Hiện nay, đường từ huyện đến sáu xã Chim Vàn, Pắc Ngà, Tạ Khoa, Hua Nhàn, Phiêng Côn và Chiềng Sại là đường đất, ô-tô không thể đi lại nếu trời mưa. Giáo viên ở đây một tuần hoặc một tháng về nhà một lần, với giáo viên ở xuôi lên công tác thì một năm. Bây giờ có khoảng một phần ba giáo viên là người địa phương, còn lại là ở huyện khác. Phần lớn giáo viên đều có vợ hoặc chồng công tác trong ngành giáo dục. Tháng 3-2013, tỉnh Sơn La có quy chế luân chuyển giáo viên, nếu hai vợ chồng là giáo viên thì một người sẽ dạy học ở vùng thuận lợi hơn để có điều kiện chăm lo gia đình. Hiện tại, ai ở đâu, bây giờ ở đó. Ðối với giáo viên nữ luân chuyển ít nhất ba năm, nam 5 năm.
Chính sách là vậy, nhưng thực tế nhiều giáo viên phải đi mười năm hoặc lâu hơn mới được quay về. Chính phủ đã có Nghị định 19 tiếp tục cho công chức, viên chức ở vùng khó khăn khi có quyết định đi luân chuyển hoặc công tác quá thời hạn nhưng chưa được về thì vẫn được hưởng 70% lương hiện hành. Tuy nhiên, trong quyết định, huyện Bắc Yên không ghi 5 năm, cho nên giáo viên không đủ điều kiện được hưởng. Ðây đang là vướng mắc, rào cản lớn nhất đối với chế độ, chính sách của các thầy giáo, cô giáo vùng cao. Số lượng giáo viên đang công tác ở các xã đặc biệt khó khăn từ hơn 5 năm đến mười năm khá nhiều, trong đó nhiều người phải đi lần thứ hai. Giải đáp vấn đề nêu trên, ông Vũ Xuân Hùng cho biết, do huyện không bố trí được việc làm mới cho nên không ra quyết định luân chuyển, các giáo viên nằm trong diện luân chuyển chủ yếu là bằng... "quyết định miệng". Vấn đề này, Phòng GD và ÐT huyện đã kiến nghị lên tỉnh nhiều lần, nhiều năm nhưng giáo viên vẫn không được hưởng (vì nếu quyết định ghi có thời hạn thì giáo viên sẽ đòi về).
Chia sẻ về đời sống, chế độ, chính sách nhà giáo, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Sơn La Nguyễn Duy Hoàng khẳng định: Ðiều kiện khí hậu, thời tiết ở đây rất khắc nghiệt. Khi tôi đi thanh tra, nghe các cô kể, đêm đến trời mưa, thấy rắn ngủ đình màn mà sợ. Bắc Yên là huyện khó khăn nhất, tiếp đến là Sốp Cộp, Mường La. Phần lớn giáo viên đi công tác ở các huyện vùng cao, có con nhỏ là vấn đề lớn mà ngành giáo dục cũng như tỉnh Sơn La luôn tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, nếu giáo viên đến thời hạn được về mà không có người thay, thì vẫn phải tiếp tục vòng quay này thôi.
Chia tay các thầy giáo, cô giáo vùng cao, tôi cứ nhớ mãi lời của cô Nguyễn Thị Hoàn: "Nếu không có lòng yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì có lẽ không ai đủ nhiệt thành để vượt khó, bám trường ở nơi khó khăn, vất vả này". Sự quan tâm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương về chế độ, chính sách sẽ phần nào làm vơi đi những khó khăn, là nguồn động viên to lớn đối với giáo viên vùng cao.
Thực tế những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện ở Sơn La phần lớn đã đi vùng cao từ bốn đến 5 năm, có người đi hơn mười năm. Năm 2013, ngành giáo dục tỉnh có 645 giáo viên được điều động luân chuyển, hai phần ba số đó là giáo viên nữ. Việc những người quá thời hạn chưa được về, những người đi lần hai nhưng không có quyết định cho nên không được hỗ trợ như lần đầu thì đúng là bất cập.
NGUYỄN DUY HOÀNG (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Sơn La)
QUÝ TÙNG VÀ ÐỨC TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét