Trang

7 thg 10, 2014

Công tác phân luồng học sinh ở Vĩnh Phúc

Thứ tư, 08/10/2014 - 11:04 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Các học viên theo học nghề điện công nghiệp tại Trung tâm GDTX và Dạy nghề Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: baovinhphuc.com.vn
Các học viên theo học nghề điện công nghiệp tại Trung tâm GDTX và Dạy nghề Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: baovinhphuc.com.vn

NDĐT - Phân luồng học sinh (PLHS) sau THCS và THPT có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp cho học sinh những kiến thức, hiểu biết về nghề nghiệp để các em lựa chọn ngành nghề phù hợp theo khả năng của mình. Nhờ thực hiện tốt công tác PLHS, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đào tạo học sinh gắn với giải quyết việc làm, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng theo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như của đất nước.
Trước thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung triển khai nhiều giải pháp đào tạo gắn với giải quyết việc làm, trong đó chú trọng công tác PLHS sau trung học. Khi công tác PLHS được triển khai sâu rộng, đồng bộ đã tạo điều kiện cho các em có thể vừa học văn hóa, học nghề, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động. Thực tế cho thấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản nhằm củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là Đề án: “Dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011-2020”. Theo đó, công tác PLHS được coi là giải pháp tạo bước đột phá trong lĩnh vực dạy nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80%, tỷ lệ qua đào tạo nghề là 64% vào năm 2020. Để làm được điều đó, từ năm 2013, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt chỉ tiêu 75% số học sinh vào THPT, 25% số học sinh học bổ túc văn hóa, học nghề hoặc trung cấp nghề. Đến năm 2014, số học sinh vào THPT giảm xuống còn 70%, thay vào đó là tăng số lượng học sinh vào học trung cấp nghề, bổ túc văn hóa, học nghề lên 30%. Sau hơn ba năm triển khai công tác PLHS, tỷ lệ học sinh của tỉnh Vĩnh Phúc đi học bổ túc văn hóa nghề và trung cấp chuyên nghiệp đạt từ 12,77% lên 21,5%, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh cho biết: Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, định hướng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) phối hợp các cơ quan thông tin, báo chí, các ngành, đoàn thể tổ chức ngày hội thanh niên với nghề nghiệp, hội thảo khoa học; tuyên truyền, quảng bá, phổ biến thông tin về các trường chuyên nghiệp thông qua các hoạt động tiếp sức mùa thi, tư vấn hướng nghiệp. Đáng chú ý, tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, tiến tới hiện đại hóa. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có tám trung tâm GDTX, chín trường chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề thực hiện mô hình bổ túc THPT kết hợp với giáo dục nghề (trung cấp nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp) với 5.917 học sinh, trong đó học sinh tham gia học nghề là 5.645 em. Ngoài ra, ở các xã, phường, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng, đã tổ chức cho 134.244 lượt người học về các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, kỹ thuật gia dụng với nhiều thành phần tham dự. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay còn có ba trường đại học, bốn trường cao đẳng, sáu trường trung cấp. Toàn tỉnh có 55 cơ sở dạy nghề thuộc các b ộ, ngành trung ương, tỉnh, huyện, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Có thể nói, mạng lưới cơ sở dạy nghề được đầu tư xây dựng, phân bổ rộng khắp các huyện, thành phố, khu công nghiệp như: Thị xã Phúc Yên, TP Vĩnh Yên, Khu công nghiệp Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên)… để phục vụ nhu cầu đào tạo lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh Vĩnh Phúc bước đầu đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đất nước.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh cho biết thêm: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PLHS sau trung học ở Vĩnh Phúc còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa chặt chẽ, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh, học sinh còn có tâm lý “nặng” về bằng cấp, coi nhẹ công việc chân, tay, cho nên công tác PLHS tuy đã được triển khai sâu rộng nhưng chưa đồng đều, hiệu quả và chất lượng chưa cao. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn công tác PLHS sau trung học vào học các chương trình giáo dục nghề nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ GD và ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần sớm ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo thống nhất giữa giáo dục phổ thông với hệ thống dạy nghề hiện nay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu giao trách nhiệm cho các trường chuyên nghiệp có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề tham gia cụ thể hơn vào công tác PLHS thông qua việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh. Đồng thời, xây dựng đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp trong nhà trường; xây dựng, triển khai bồi dưỡng giáo viên hướng nghiệp; tổ chức để cơ sở dạy nghề, người sử dụng lao động tham gia hướng nghiệp.
“Sau hơn ba năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường PLHS sau THCS và xóa mù chữ người lớn, nhìn chung chưa có sự chuyển biến, nhiều tỉnh, thành phố có số lượng học sinh tham gia học nghề chỉ đạt từ 5 đến 7%. Trong khi đó, mục tiêu của Bộ Chính trị đặt ra và phấn đấu thực hiện đến năm 2020 có 30% tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp”.
Vụ trưởng GD và ĐT, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) TS Nguyễn Đắc Hưng.
LONG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét