Trang

28 thg 9, 2014

Vì sao hàng trăm phụ huynh không cho con đến trường ?

Chủ nhật, 28/09/2014 - 09:54 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Mỗi lớp học của Trường tiểu học Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh) chỉ có vài học sinh.
Mỗi lớp học của Trường tiểu học Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh) chỉ có vài học sinh.

Trước đây, do điều kiện kinh tế - xã hội và giao thông ở các tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) có chủ trương mở các điểm trường lẻ để giúp học sinh thuận tiện hơn trong học tập.
Những năm gần đây, thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, nhiều điểm trường lẻ được sáp nhập điểm trường chính trong điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên được bảo đảm, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, do việc sáp nhập các điểm trường lẻ chưa tạo được sự đồng thuận của nhân dân, cho nên hàng trăm phụ huynh ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã không cho con tới trường.
Hàng trăm học sinh chưa tới trường
Ngày 23-7-2009, UBND tỉnh Nghệ An ra Nghị quyết số 271 về Quy hoạch mạng lưới trường, lớp đến năm 2015. Theo đó, UBND huyện Ðô Lương có phương án sáp nhập điểm trường Vân Hà, xã Quang Sơn, huyện Ðô Lương vào điểm trường chính là Trường tiểu học Quang Sơn. Mục đích để các em có điều kiện được chăm sóc, giáo dục toàn diện hơn. Năm học 2012-2013, huyện Ðô Lương sáp nhập hai khối 4 và 5 ở điểm Trường tiểu học Vân Hà về điểm trường chính; sáp nhập ba khối 1, 2 và 3 trong năm học 2013-2014. Tuy nhiên, sau khi chủ trương nói trên được phổ biến, phần lớn người dân ở ba làng Vân Hà - khối Toàn Thắng đã phản đối việc sáp nhập. Do đó, đầu năm học 2013-2014, khối 1, 2, 3 ở làng Vân Hà có tổng số 65 học sinh thì chỉ có 12 em nhập học. Trước hiện tượng trên, ngành GD và ÐT Nghệ An phối hợp chính quyền huyện Ðô Lương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động để phụ huynh hiểu được ý nghĩa của việc cho con học tập ở môi trường bảo đảm chất lượng. Tuy vậy, đến nay vẫn còn 40 em chưa được đi học, phần lớn là học sinh lớp một. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, anh Nguyễn Hàm Lục (xóm 9, xã Quang Sơn) cho biết: Ðứa lớn đã thất học một năm, đứa bé năm nay lên lớp một cũng chưa biết mặt chữ. Chúng tôi tha thiết muốn địa phương giữ lại điểm trường lẻ để tiện cho việc đưa, đón các cháu vì từ làng lên trường chính cách xa hơn hai km, giao thông đi lại khó khăn, nguy hiểm.
Cũng như tỉnh Nghệ An, mặc dù năm học mới đã diễn ra gần một tháng nhưng học sinh các cấp: Mầm non, tiểu học và THCS của xã miền núi Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa được tới trường do phụ huynh không đồng tình việc sáp nhập trường. Thực hiện Nghị quyết số 43/2011/NQ-HÐND ngày 7-1-2011 của HÐND huyện Hương Khê về việc Quy hoạch hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2010-2020, đến nay, Hương Khê đã sáp nhập được 24 trường ở các bậc học, trong đó: 16 trường tiểu học, tám trường THCS và mầm non. Sau sáp nhập, quy mô trường lớp được mở rộng, đội ngũ giáo viên được kiện toàn, cho nên chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Cũng theo lộ trình của Nghị quyết nói trên, năm học 2014-2015, Hương Khê tiếp tục sáp nhập thêm năm trường THCS, trong đó có THCS Hương Bình. Tuy nhiên, từ tháng 8-2014 đến nay, nhiều người dân phản đối về việc sáp nhập trường. Trưởng phòng GD và ÐT huyện Hương Khê Trần Ðình Hùng cho biết: Năm học mới diễn ra được gần một tháng nhưng hàng trăm học sinh ở các bậc học vẫn chưa tới trường: Mầm non có 39/215 em đến trường, tiểu học 35/255 và THCS 62/247.
Cần giải pháp cụ thể
Ðể giải quyết vấn đề phụ huynh không cho con đến trường, Giám đốc Sở GD và ÐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi đã đưa ra một số giải pháp như: Tuyên truyền để phụ huynh nhận thức đầy đủ hơn về lợi ích lâu dài đối với việc cho con học tại điểm trường chính; phân công giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh nghỉ học của năm trước để theo kịp chương trình; tổ chức mở bán trú cho các em học sinh... Ðề cập việc phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường, ảnh hưởng đến việc học tập cũng như quyền lợi học sinh, đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh: Theo quy định của pháp luật, bậc tiểu học là bậc giáo dục bắt buộc đối với mọi trẻ em. Mọi trẻ em không phân biệt điều kiện, hoàn cảnh, đều được bình đẳng về cơ hội học tập và được Nhà nước tạo điều kiện cho học tập. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện khẳng định, việc nhất quán sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào Trường THCS Phúc Ðồng và Hòa Hải là không thay đổi. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ lên phương án đối thoại với người dân và phụ huynh trong một vài ngày tới. Bên cạnh đó, UBND huyện Hương Khê và Phòng GD và ÐT đã đề ra một số chính sách hỗ trợ cho học sinh như: Hỗ trợ tiền ở trọ cho hơn 70 học sinh ở các xóm thuộc diện chính sách 135, đi học cách nhà bảy km là 500 nghìn đồng và 15 kg gạo/tháng; Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ ba em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mỗi em một triệu đồng.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp, bộ đã có hướng dẫn và phân cấp thực hiện. Vì vậy, địa phương phải căn cứ điều kiện cụ thể để triển khai, tránh tình trạng xáo trộn trong công tác dạy và học. Việc phụ huynh ngăn cản không cho con tới trường là vi phạm quyền trẻ em, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của các cháu. Do đó, phụ huynh cần cân nhắc làm thế nào để có lợi cho con em mình. Nếu học sinh được học ở khu trung tâm thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ cao hơn, các em có điều kiện phát huy tư duy, kiến thức; giáo viên cũng thuận lợi hơn trong việc trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các em học tập. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện ở địa phương, trường tiểu học có thể có thêm điểm trường ở những địa bàn khác nhau để thuận lợi cho trẻ đến trường.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm, việc phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vì mục tiêu nâng cao chất lượng GD và ÐT bền vững của từng trường, từng địa phương và của cả nước. Trong quá trình này cần có sự nỗ lực của toàn xã hội, của giáo viên, gia đình học sinh và học sinh. Ngành GD và ÐT các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cần xem xét chu đáo để tham mưu với chính quyền địa phương đưa ra giải pháp thích hợp, tuyên truyền, thuyết phục để người dân chia sẻ và đồng lòng.
Thông tư Ðiều lệ Trường Tiểu học quy định, địa điểm đặt trường phải bảo đảm: Ðộ dài đường đi của học sinh đến trường đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu tái định cư không quá 500 m; đối với khu vực ngoại thành, nông thôn không quá một km; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá hai km- (Bộ GD và ÐT)
TÙNG QUỲNH, MINH THƯ VÀ THÀNH CHÂU
()

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét