Thứ sáu, 05/09/2014 - 01:57 AM (GMT+7)
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa ban hành Chỉ thị về bốn nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2014-2015.
Trong bốn nhiệm vụ nói trên, Bộ GD và ĐT chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục phổ thông. Để thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm nói trên, ngành GD và ĐT Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai, xác định chủ đề năm học là "Đổi mới phương pháp dạy học và cảnh quan sư phạm trường học".
Những ngày cuối tháng tám, mặc dù nhiều trường phổ thông trên cả nước còn đang ở "giai đoạn" sửa sang, vệ sinh trường, lớp thì ở Bắc Ninh, học sinh các cấp đã bước vào năm học mới.
Đến Trường THPT Thuận Thành số 1 (huyện Thuận Thành), chúng tôi đã bị cuốn hút bởi ngôi trường được xây dựng khá khang trang, hiện đại, sạch sẽ, thoáng mát với nhiều cây xanh. Thầy giáo Nguyễn Văn Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi đi thăm các phòng, lớp học cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn, nhà trường xác định ba nhóm giải pháp, gồm: Xây dựng môi trường sư phạm tích cực, đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường công tác quản lý. Nhà trường coi việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là vấn đề cốt lõi. Theo đó, việc xây dựng môi trường sư phạm của nhà trường luôn gắn với hệ thống các giá trị "Trách nhiệm, nhân ái, hợp tác; nghị lực, quyết tâm, thành công". Trong công tác đổi mới phương pháp giáo dục, nhà trường kiên trì phương châm chỉ đạo "Lấy cơ bản, toàn diện làm nền tảng; lấy nâng cao một số môn tự chọn làm trọng tâm; lấy kiểm tra, đánh giá, thi cử nghiêm túc, trung thực làm then chốt". Mặt khác, nhà trường còn chú trọng công tác tổ chức dạy học phân hóa theo trình độ và nguyện vọng học các môn tự chọn theo khối thi đại học của học sinh bắt đầu từ lớp 10; điều chỉnh năng lực và nguyện vọng của các em ở các khối 11, 12.
Em Vương Hải Linh, học sinh lớp 11A1 cho biết: Ngay từ năm lớp 10, em được gia đình, nhà trường định hướng học khối A, gồm ba môn: Toán, Lý, Hóa. Với ba môn học này, ngoài thời gian làm các bài trong sách giáo khoa vào buổi sáng, buổi chiều em còn được thầy giáo ôn tập lại kiến thức đã học và học chương trình nâng cao; học thêm theo nhóm vào buổi tối. Qua báo chí, em được biết, Bộ GD và ĐT vừa công bố dự thảo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia gồm ba phương án. Do chưa có phương án thi chính thức cho nên ngay từ đầu năm, chúng em được nhà trường hướng dẫn thay đổi cách học. Đó là học đều tất cả các môn.
Là giáo viên nhiều năm ôn luyện học sinh giỏi, cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên môn Vật lý chia sẻ: Với sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác thi cử của Bộ GD và ĐT, giáo viên bây giờ không chỉ dạy những kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa mà còn vận dụng nhiều phương pháp mới để truyền "ngọn lửa" đam mê môn học này cho học sinh. Thí dụ, trong sản xuất có máy gặt đập mới, tôi thường tìm cách để dẫn chứng, minh họa giúp các em dễ hiểu, hứng thú học tập, nếu có điều kiện sẽ tổ chức cho các em đi thực tế.
Nói về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường, thầy giáo Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thường có hai cách: Cách truyền thống là phân công nhóm giáo viên có trình độ cao bồi dưỡng cố định hằng năm; cách mới là mỗi năm tuyển chọn một đội giáo viên để bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhà trường chọn cách thứ hai vì qua bồi dưỡng học sinh giỏi, các thầy giáo, cô giáo cũng tự bồi dưỡng chính mình. Công tác bồi dưỡng giáo viên được nhà trường triển khai thường xuyên theo quy định; trong đó, ưu tiên bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học chính.
Mặc dù tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, tuy nhiên, hằng năm nhà trường vẫn có một số học sinh chưa ham học, nguyên nhân là phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa thật sự lôi cuốn, hấp dẫn.
Khắc phục tình trạng nói trên, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, các cuộc thi tìm lời giải hay cho các môn học...
Trong công tác quản lý, nhà trường thực hiện theo hướng phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm cụ thể. Công tác thi đua được tổ chức khoa học, giao đúng người, khen đúng mức trên tinh thần "Khoán trách nhiệm, thưởng phù hợp, tôn vinh xứng đáng". Các chỉ tiêu thi đua được lượng hóa bằng điểm số, theo dõi, đánh giá cụ thể, chính xác. Với các nhóm giải pháp nói trên, năm học 2013-2014, 87,8% số học sinh nhà trường có học lực khá, giỏi (tăng 5,6% so với cùng kỳ). Chất lượng thi học sinh giỏi cấp tỉnh và khu vực luôn được giữ vững trong tốp đầu. Năm nay, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học đạt 84,1% (trong đó, có năm học sinh đỗ đầu, hai em đạt hơn 27 điểm). Chia sẻ về phương pháp đổi mới cách dạy và học của Trường THPT Hàn Thuyên (TP Bắc Ninh), Phó hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Thế Sơn cho rằng: Các trường phổ thông cần tăng cường công tác quản lý chuyên môn; tăng thời gian dự giờ, kiểm tra giáo án giáo viên; cân đối lại chương trình giảng dạy cho phù hợp sự đổi mới chung của bộ; đổi mới phương pháp sinh hoạt chuyên môn theo cụm để giáo viên có điều kiện giao lưu, dự giờ nhằm góp phần nâng cao nghiệp vụ sư phạm cũng như chất lượng giáo dục... Để bắt nhịp với sự đổi mới của Bộ GD và ĐT, năm nay, nhà trường chỉ đạo các tổ bộ môn tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng khung chương trình tự chủ, làm mới giáo án...
Giám đốc Sở GD và ĐT Bắc Ninh Nguyễn Đức Bưởi cho biết: Năm học 2014-2015, ngành GD và ĐT Bắc Ninh triển khai năm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện với chủ đề "Đổi mới phương pháp dạy học và cảnh quan sư phạm trường học".
Theo đó, toàn ngành tiếp tục triển khai mở rộng mô hình trường học mới cấp tiểu học, thí điểm tám mô hình trường học mới cấp THCS; áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục; tổ chức dạy học hai buổi/ngày ở các cấp học, nhất là ở bậc trung học. Học sinh cấp trung học có thể lựa chọn giáo viên để học ở buổi thứ hai nhằm phù hợp khả năng học tập của các em. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, phù hợp thực tế địa phương; các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh nội dung dạy học trên cơ sở khung của Bộ GD và ĐT; xây dựng và triển khai dạy học các chủ đề theo hướng tích hợp, liên môn; tăng cường thực hành các môn: Lý, Hóa, Sinh để học sinh vận dụng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn...
QUÝ TÙNG VÀ THÁI SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét