Trang

9 thg 6, 2014

Đứng lớp ghép giữa Trường Sa

Thứ ba, 10/06/2014 - 03:03 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Học sinh Trường tiểu học Sinh Tồn được học tập trong ngôi trường khang trang.
Bằng tình yêu biển, đảo mãnh liệt, những năm gần đây, nhiều thầy giáo, cô giáo ở mọi miền Tổ quốc đã tình nguyện đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa "gieo" chữ. Nhờ vậy, chuyện dạy và học giữa muôn trùng biển khơi ngày nay đã thay đổi khá rõ nét cả về "chất" và "lượng".
Đến Trường Sa hôm nay nhiều người trong chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến hệ thống các công trình "điện, đường, trường, trạm" được xây dựng khang trang, quy củ, đường giao thông đi lại thuận tiện. Trường Sa mùa này đẹp như tranh vẽ, tàu, thuyền đi lại thuận lợi, nhộn nhịp. Cũng như học sinh trên đất liền, học sinh ở quần đảo Trường Sa đến tuổi đều được đến trường, học tập trong môi trường bảo đảm. Sinh ra và lớn lên ở đảo, các em sớm ý thức việc sống, học tập ở nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đây, người dân sử dụng điện chiếu sáng phục vụ học tập, sinh hoạt và sản xuất từ nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời khá dồi dào. Theo chân các em đến các khu dân cư được xây dựng kiên cố, khang trang, an toàn trước bão tố, chúng tôi đã phần nào hiểu được nghị lực của các cư dân, chiến sĩ cũng như chuyện dạy và học trên đảo. Đến các đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, nhiều người đã thốt lên khi tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp các công trình văn hóa, giáo dục,... hiên ngang giữa biển khơi.
Thăm các gia đình sinh sống trên đảo, các thành viên trong đoàn cảm thấy yên tâm, phấn khởi khi biết đời sống của các thầy giáo, cô giáo, chiến sĩ và nhân dân trên đảo bây giờ khá đầy đủ, tiện nghi với các đồ dùng thiết yếu như: Ti-vi, tủ lạnh, máy tính, nồi cơm điện... Ở đảo, phụ nữ chuyên tâm chăm sóc con cái, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nam giới tập hợp thành từng nhóm người ra biển đánh bắt, chế biến hải sản. Gia đình anh Võ Kim Toàn (đảo Sinh Tồn) có hai con trai, cháu lớn hiện đang học lớp 1, cháu thứ hai học mầm non.
Anh Toàn khoe với chúng tôi: "Được thiên nhiên ưu đãi cho nên lượng cá, tôm ở biển khá dồi dào. Tôi đi biển đánh cá, tôm khoảng ba ngày là đủ thức ăn cho một tháng. Mùa này biển lặng cho nên ngư dân đánh bắt nhiều hơn, một phần san sẻ với chiến sĩ, số còn lại gia đình phơi khô dự trữ".
Ngoài thời gian đi biển, anh Toàn còn thường xuyên phụ giúp gia đình, dạy con học tập. Nhờ đó, các con anh học giỏi và chăm ngoan.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ dẫn chúng tôi đi thăm đảo, thăm trường.
Đi dưới những tán cây xanh cổ thụ như: Phong ba, bão táp, phi lao... có cảm giác như đang ở đất liền. Qua tâm sự, được biết thầy giáo Hạ quê ở tỉnh Khánh Hòa, chưa lập gia đình.
Thầy giáo Hạ chia sẻ: "Tôi là một trong số khá nhiều thầy giáo, cô giáo được làm việc tại quần đảo Trường Sa, điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Ban đầu, gia đình, người thân tỏ vẻ nghi ngại, lo lắng vì sợ điều kiện ở đảo vất vả, nhưng khi tôi trình bày nguyện vọng muốn đóng góp một phần nhỏ bé cho đất nước thì mọi người trong gia đình đã hiểu và ủng hộ".
Cũng như thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ, thầy giáo Lê Anh Đức đến đảo Sinh Tồn là hoàn toàn tự nguyện. Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Khánh Hòa; tham gia thanh niên tình nguyện tại các vùng khó khăn của Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, qua báo, đài, thầy Đức biết thông tin tuyển dụng giáo viên ở Trường Sa nên đăng ký nộp hồ sơ. Thầy Đức cho biết: "Em tình nguyện ra đảo với mong muốn "gieo" chữ nơi đảo xa và đem tâm huyết của tuổi trẻ cống hiến cho Tổ quốc. Ở đảo có sóng điện thoại, sách, báo, in-tơ-nét, cho nên em có cảm giác như vẫn gần bên gia đình". Mỗi khi nhớ nhà, bạn bè, thầy Đức liên lạc với mọi người qua điện thoại, mạng xã hội phây-búc. Các phòng học ở đây được bố trí ngăn nắp, có đầy đủ bàn, ghế, sách, vở...
Các lớp mầm non được thiết kế bắt mắt với đầy đủ đồ dùng học tập, đồ chơi như: Đu quay, ván trượt, xếp hình... Các lớp tiểu học, bàn, ghế được kê chụm vào nhau theo hình vuông như mô hình trường học mới.
Ấn tượng với chúng tôi là trong các tiết học, thầy giáo phải "đóng" nhiều vai khác nhau. Thí dụ, học sinh lớp 1 học Toán thì thầy giáo sẽ hướng dẫn học sinh lớp 3 học Tiếng Việt; các em lớp mầm non sẽ học tập tô, học chữ cái. Cùng một lúc như vậy nhưng các thầy giáo "điều phối" rất nhịp nhàng.
Bên cạnh đó, những ngày bố mẹ các cháu không đi biển, nếu phụ huynh có nhu cầu nâng cao kiến thức, nhà trường sẽ tổ chức dạy vào thời gian thích hợp.
Cũng dạy lớp ghép như thầy giáo Đức, thầy giáo Hạ chia sẻ: "Dạy lớp ghép có cái khó nhưng cũng thú vị.
Quan trọng là mình phải biết dung hòa các cháu mầm non đang trong độ tuổi chỉ biết vui chơi, ăn ngủ với học sinh tiểu học cần sự trật tự để học tập.
Ngoài thời gian dạy học chính khóa trên lớp, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như nhặt rác ở bãi biển, dạy các cháu biết nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong các bài học, các thầy giáo đều tích hợp, lồng ghép các nội dung về biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa". Sống ở đảo, gắn bó với nhân dân, chiến sĩ nhiều năm, các thầy giáo ở đây đều có những kỷ niệm đáng nhớ. Với thầy Đức, mỗi ngày ở đảo là những ngày ý nghĩa, được thầy ghi chép lại một cách tỉ mỉ. Người dân có mớ rau, con cá cũng đều san sẻ với các thầy giáo và chiến sĩ trên đảo. Còn với thầy giáo Hạ, kỷ niệm đáng nhớ là những bức tranh, đồ chơi do tự tay các em làm ra và vẽ tặng.
Gắn bó với Trường Sa Lớn đã nhiều năm nay, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Lớn, kiêm Hiệu trưởng nhà trường Phạm Văn Hòa cho biết: "Giáo dục ở đây được ghi nhận là cơ bản, vững chắc, đó là thắng lợi lớn trong công tác giáo dục ở Trường Sa Lớn. Các thầy giáo ở đây dạy học rất bài bản, theo chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.Không những thế, môi trường học tập của học sinh ngày càng tốt và có thể tốt hơn nhiều so với một số trường ở trong đất liền".

Bài và ảnh: MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét