Trang

19 thg 11, 2013

Ðể thầy cô gắn bó với trẻ em thôn bản

Thứ ba, 19/11/2013 - 07:11 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi (PCGDMNTNT), đến nay, sau ba năm triển khai, tỉnh Lào Cai đã có 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn. Ðể làm tốt công tác này, Lào Cai đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm là ưu tiên phát triển đội ngũ giáo viên người địa phương; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị trường học.
Nhiều chính sách "mời gọi" giáo viên người địa phương
Cô và cháu Trường mầm non Trịnh Tường 2, huyện Bát Xát (Lào Cai).
Cô và cháu Trường mầm non Trịnh Tường 2, huyện Bát Xát (Lào Cai).
Ðể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên "cắm bản", giáo viên đi xa nhà vài chục km và ở tỉnh khác tới dạy học gặp nhiều khó khăn, năm năm qua, Lào Cai kiên trì đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non là người địa phương. Ðây là cách làm nhằm kịp thời bổ sung nguồn nhân lực trước khi Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) triển khai Ðề án PCGDMNTNT.
Từ thành phố Lào Cai, vượt hơn 60 km đường đồi, núi gồ ghề với nhiều khúc cua tay áo, chúng tôi tới Trường mầm non Tung Chung Phố của huyện Mường Khương. Trường có chín điểm trường/10 thôn, bản. Tiếp chúng tôi, cô giáo Lục Thị Huyền (dân tộc Nùng), Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi các điểm trường được xây dựng khang trang, cùng với chính sách đào tạo, lấy giáo viên tại chỗ giảng dạy cho nên chất lượng giáo dục đã tăng lên đáng kể, giáo viên yên tâm công tác. Một tín hiệu đáng mừng là trong lúc thiếu giáo viên thì mỗi năm nhà trường được bổ sung kịp thời từ một đến hai giáo viên từ "nguồn" của tỉnh cho nên đội ngũ giáo viên cơ bản đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Theo cô giáo Lục Thị Huyền, việc phát triển đội ngũ giáo viên, trong đó đặc biệt ưu tiên giáo viên người địa phương, đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh, xóa khoảng cách về sự bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và học sinh. Ngoài việc dạy các cháu trên lớp, giáo viên còn giúp phụ huynh trồng rau, nấu ăn. "Hôm nay mẹ cháu này đã tới trường nấu ăn, cuối buổi học cô giáo sẽ gắn "bông hoa nhà bếp" lên áo cho cháu kế tiếp. Khi về nhà, cháu nào có "hoa" trên áo, bố mẹ cháu đó biết rằng đến trường nấu ăn vào sáng hôm sau... Ðây là một trong những hoạt động thể hiện sự gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh"- cô Huyền tâm sự.
Trường mầm non số 2, xã Trịnh Tường, huyện biên giới Bát Xát vừa được xây dựng, còn sáng mầu sơn mới, có sân chơi rộng và nhà công vụ kiên cố. Cô giáo Bùi Thị Thu Mai, người Yên Bái dạy học ở đây phấn khởi: Ngôi nhà công vụ này là điều mơ ước của các giáo viên có hoàn cảnh xa nhà. Ðiều kiện chỗ ở tốt đã giúp chúng tôi bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, chăm sóc các cháu tốt hơn, vì tiết kiệm được thời gian, bớt đi vất vả khi đến trường. Ở trường, có bốn cô giáo là người dưới xuôi lên đây dạy học, cùng chung sống trong những phòng công vụ khang trang, sạch sẽ, ai cũng thấy gắn bó hơn với công việc của mình.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Lào Cai Nguyễn Anh Ninh cho biết: Ba năm qua, tỉnh luôn xác định, PCGDMNTNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14. Theo đó, để PCGDMNTNT thì trước tiên phải chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên, nhất là người địa phương và ưu tiên giáo viên người dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, Lào Cai đã có chính sách ưu đãi đặc biệt, như không thu tiền học, bồi dưỡng đối với sinh viên (SV), học sinh là người dân tộc thiểu số; những SV khi ra trường sẽ được phân công về giảng dạy tại địa phương. Ðể giáo viên thuộc diện hợp đồng gắn bó với nghề, ổn định cuộc sống (khoảng một nghìn người), Lào Cai đã tuyển dụng vào biên chế. Tỉnh hiện có hơn 4.300 giáo viên, trong đó giáo viên ngoài biên chế là 10,9%; số SV là người dân tộc thiểu số được đào tạo quay trở về địa phương giảng dạy khoảng 150 người/năm. Ngoài việc tăng cường biên chế và bổ sung đội ngũ giáo viên để thực hiện chủ trương đẩy mạnh PCGDMNTNT, năm 2013, tỉnh đã huy động thêm 103 SV năm thứ ba của Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh đã hoàn thành chương trình đào tạo hệ mầm non đi thực tập và làm nhiệm vụ PCGDMN. Theo đó, mỗi SV được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Tính đến thời điểm này, Lào Cai đã bổ sung 1.500 giáo viên mầm non, riêng năm 2013 có 468 giáo viên được bổ sung, đạt 1,96 giáo viên/lớp.
Hiến đất xây trường, làm nhà công vụ
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn tỉnh, Lào Cai đã tin tưởng, nhận thấy việc PCGDMNTNT là quan trọng và cần thiết. Nhờ đó, nhiều gia đình ở các thôn, bản xa xôi đã tự nguyện hiến đất xây dựng trường, lớp mầm non với tổng diện tích trên toàn tỉnh hơn 25 nghìn m2. Hiệu trưởng Trường mầm non Trịnh Tường 2 Vũ Thị Mai Hương tâm sự: Trước đây không có lớp học kiên cố, các thầy, cô giáo phải mượn tạm nhà dân để ở và dạy học, mùa đông gió lùa, rét thấu xương, nhiều cô nản lòng đã xin thôi dạy hoặc chuyển về xuôi xin việc. Bây giờ chuyện này không còn nữa. Cô Hương cho biết, để có mặt bằng xây dựng trường, Bí thư Ðảng ủy xã Trịnh Tường Vù A Dùa đã đi đầu trong việc hiến đất xây trường học. Vợ chồng ông đã hiến gần hai nghìn m2 đất trồng lúa, ngô để xây trường. "Có nhiều khu đất có thể xây được trường học nhưng ở đó rất nguy hiểm, vì gần các dòng suối. Sau khi bàn bạc, vợ chồng mình quyết định hiến tặng mảnh đất này để xây trường học, bảo đảm cho các cháu đến lớp thuận tiện, an toàn" - Bí thư Vù A Dùa tâm sự. Theo đánh giá của Phòng GD và ÐT huyện Bảo Yên, Vĩnh Yên là địa phương hoàn thành các công trình trường học, nhà công vụ sớm nhất trên địa bàn huyện. Ðóng góp vào thành công này là nhờ nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng trường học, tiêu biểu như gia đình ông Lò Ðình Tuyến ở bản Nậm Pạu, chị Ma Thị Thọ ở bản Nậm Mược...
 Mặc dù là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng nhờ sáng tạo trong cách làm, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp khi có thêm trường học và giáo viên Si Ma Cai không thua kém các huyện vùng thấp, vùng thuận lợi. Si Ma Cai được đánh giá là một trong những huyện có tỷ lệ trẻ ba đến năm tuổi đến lớp cao nhất, đạt 98%; riêng trẻ mẫu giáo bốn và năm tuổi đạt 100%.  Các em được học hai buổi/ngày và học theo chương trình giáo dục mầm non mới, 100% trẻ em là người dân tộc thiểu số được học tiếng phổ thông. Toàn huyện có 31 điểm trường vừa được xây dựng và đưa vào sử dụng, đáp ứng đủ phòng học cho trẻ đến lớp. Có được kết quả nêu trên là nhờ người dân ủng hộ, hiến đất và giáo viên tâm huyết với nghề. Hằng năm, Phòng GD và ÐT huyện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực giảng dạy cho cán bộ, giáo viên, hội thảo về chương trình giáo dục mầm non mới. Nhờ đó, các giáo viên đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trẻ mầm non hiện nay.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã đánh giá cao kết quả công tác PCGDMNTNT của tỉnh Lào Cai, trong đó có việc phát triển đội ngũ giáo viên là người địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2011-2013, Lào Cai đầu tư 618 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp trường học, nhà công vụ, trong đó chi trả 12,8 tỷ đồng cho những giáo viên mới được tuyển dụng từ nguồn ngân sách tỉnh. Bên cạnh việc phát triển đội ngũ giáo viên là người địa phương, tỉnh Lào Cai còn tích cực đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở xa, ở tỉnh khác tới giảng dạy. Nói về vấn đề này, Giám đốc sở Nguyễn Anh Ninh cho biết thêm: Với những giáo viên ở xa, tỉnh đã chủ động đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 545 nhà công vụ, bình quân hai giáo viên/phòng. Theo kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, đến năm 2014, Lào Cai cơ bản đáp ứng đủ giáo viên, nhất là lớp mẫu giáo năm tuổi. Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục Lào Cai cho thấy, đến nay có 9/9 huyện, thành phố của tỉnh đạt chuẩn PCGDMNTNT. Các cháu đến lớp luôn đạt tỷ lệ cao, riêng trẻ năm tuổi đạt 99,7% và học tập có chất lượng. Ở các xã đều có trường, có lớp đến tận thôn, bản. Có thể thấy rằng, việc PCGDMNTNT thông qua giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên là người địa phương là bước đi phù hợp vì giáo viên không phải đi "cắm bản", tránh được những nguy hiểm thường xuyên rình rập trong mùa mưa, lũ.
BÀI VÀ ẢNH: QUÝ TÙNG VÀ QUỐC HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét