Trang

23 thg 10, 2013

Đưa thông tin về “vùng trũng”

Thứ ba, 22/10/2013 - 09:56 PM (GMT+7)

NDĐT - Một ngày mới của người dân thôn Làng Bạc, xã Xuân Quang (Bảo Thắng, Lào Cai) bắt đầu bằng những thông tin, thông báo từ cụm loa đài phát thanh cơ sở.
Nông dân xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) vận chuyển dứa xuất khẩu.
Ảnh: Quốc Hồng

Rút ngắn khoảng cách thông tin
Khoảng một năm trở lại đây, thôn Làng Bạc mới được Nhà nước trang bị một số cụm loa đài phát thanh cơ sở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hữu Luật – người được nhân dân gọi là ông “phát thanh di động” tâm sự: Những năm 1995-1996, người dân thôn Làng Bạc không chỉ “thiếu cái ăn, cái mặc” mà còn “đói” thông tin nghiêm trọng. Nơi đây với đặc thù đồi núi cao, hiểm trở nên mỗi lần thôn thông báo, thông tin mới chỉ đáp ứng một phần ba hộ dân. Những hộ ở xa trung tâm nhanh thì hai ngày sau mới biết tin. Từ thực tế đó, sau nhiều đêm trằn trọc, tôi đã nảy ra ý tưởng phải dùng “loa phát thanh di động” để rút ngắn khoảng cách tuyên truyền.
Nghĩ là làm. Ông Luật đã bỏ tiền túi mua một bộ âm li, loa đài rồi buộc sau chiếc xe máy “cà tàng” rong ruổi khắp thôn, bản để tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền rất đa dạng, phong phú: chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về cuộc bầu cử, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... Mỗi lần tuyên truyền, ông “phát thanh di động” đều ghi chép lại một cách tỉ mỉ thông qua cuốn nhật ký phát thanh.
Đến nay, ông “phát thanh di động” nhẩm tính đã tình nguyện làm công việc này ngót nghét 10 năm có lẻ. Nhờ thông tin kịp thời, nhiều gia đình đã chủ động trong việc làm kinh tế thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới khang trang, sạch đẹp.
Thôn Làng Gạo (Xuân Quang) năm 2012 được nhà nước trang bị và nâng cấp một số cụm loa phát thanh. Phó trưởng Ban Mặt trận kiêm “phát thanh viên” thôn Làng Gạo Nguyễn Văn Bình cho biết: Thôn Làng Gạo là “vùng trũng” về thông tin. Năm 2012, khi họp thôn, người dân đã thống nhất góp tiền, trích quỹ để mua thêm hai bộ loa đài. Từ ngày có thông tin, nguời dân hăng say thi đua lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân qua đó đã nâng lên rõ rệt. Khi dân hiểu, dân tin, con đường liên thôn gồ ghề đã đuợc nhân dân chung sức đổ bê tông sáng láng trải dài gần năm ki-lô-mét. Thấy sử dụng “công cụ” này hiệu quả, hằng ngày anh Bình tích cực đọc báo, xem truyền hình hơn để có thêm thông tin hữu ích phổ biến tới người dân.
Chúng tôi tới Bản Lầu - một xã giáp biên giới của huyện Mường Khương đúng giờ phát thanh chiều về xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu Đỗ Duy Phiên cho biết, thông qua chương trình đưa thông tin về cơ sở, ở các thôn xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến về việc hiến đất làm đường. Tiêu biểu là anh Lục Thượng Cường (thôn Pạc Bo). Anh Cường đã tự nguyện hiến năm nghìn mét vuông đất ruộng và cây ăn quả để làm đường giao thông và hệ thống kênh mương dẫn nước.
Anh Cường cho biết: Nếu tất cả cùng chung sức mở đường, khi người dân thu hoạch dứa, ngô, thóc… chở ra chợ Bản Lầu bán không chỉ thuận tiện mà còn rất được giá. Thấy anh gương mẫu hiến đất không lấy một đồng tiền đền bù, những hộ còn chần chừ đã làm theo, góp công sức mở đường giao thông liên thôn ở Pạc Bo và xã Bản Lầu.
Cần có cơ chế phù hợp
Trong những năm qua, ngành thông tin và truyền thông đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở mọi miền Tổ quốc được nâng lên và đổi thay rõ rệt. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời tổ chức xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011 – 2015 trình Chính phủ và được Quốc hội phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết: Chương trình được thực hiện trên phạm vi 69 huyện nghèo. Mục tiêu nhằm bảo đảm thông tin về các chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, khoa học – kỹ thuật được đưa đến phục vụ người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, rút ngắn khoảng cách về bảo đảm thông tin và hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng miền; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng ở những khu vực này. Trước khi triển khai, Bộ đã có nhiều đợt khảo sát, đánh giá thực trạng về nhu cầu thông tin của các tỉnh, thành phố.
Theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, việc đưa thông tin về cơ sở ở chương trình này không gồm các hệ thống internet và báo chí bởi các phương tiện truyền thông đó cơ bản đã được phủ kín. Cái khó ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là người dân khó tiếp cận hoặc tiếp cận không thường xuyên đối với internet và báo chí. Bộ đã tập trung vào ba dự án chính: tăng cường năng lực cán bộ; tăng cường cơ sở vật chất; tăng cường nội dung thông tin và truyền thông cơ sở. Sau ba năm triển khai, có một số tỉnh thực hiện khá tốt như: Kiên Giang, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu.
Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở là 1.730 tỷ đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng kinh phí huy động thực hiện khoảng 477 tỷ đồng. Đến nay, dự án một đã đào tạo 9.112 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Dự án hai, đầu tư thiết lập mới và nâng cấp được 344 đài truyền thanh xã và 77 đài truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh, truyền hình. Dự án ba, sản xuất, biên tập được hơn 1.400 chương trình về phổ biến pháp luật, kinh nghiệm về sản xuất, chăn nuôi…
Đáng chú ý, chương trình đã thành lập được bốn cụm thông tin đối ngoại ở các tỉnh biên giới. Điều này góp phần không nhỏ vào việc định hướng thông tin, ổn đinh an ninh trật tự, tạo đà thuận lợi phát triển kinh tế vùng biên. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết: Tính đến tháng 9-2013, trên địa bàn tỉnh có 27 xã được nâng cấp, năm xã mua mới cụm phát thanh; hàng trăm học viên được bồi dưỡng nghiệp vụ về cách viết tin, bài, chọn lọc tin, bài trên báo để phát thanh tuyên truyền. Khó khăn nhất của các xã bây giờ là các trạm phát thanh, truyền hình phần lớn có công suất nhỏ nên không “đủ sức” lan tỏa âm thanh ở nơi đồi núi rộng lớn. Ông Lã Duy Khiêm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang thì cho biết, thời gian qua tỉnh đã cấp cho chương trình hơn một tỷ đồng để thực hiện. Sở tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo về truyền thông cơ sở cho cán bộ là phó chủ tịch xã phụ trách văn hóa-xã hội xã, cán bộ văn hóa xã. Tuy nhiên, học viên học xong đến nay đã hơn một năm nhưng chưa có thiết bị sử dụng do thiếu kinh phí.
Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết thêm, mỗi năm trung ương cấp cho các tỉnh bình quân từ 100 đến 120 tỷ. Đây là nguồn vốn vô cùng ít trong khi ở các địa phương cùng lúc phải thực hiện ba dự án nên “họ” gặp phải không ít khó khăn, nhiều tỉnh do đó triển khai thiếu đồng bộ. Tuy vậy, tính bình quân thì chương trình vẫn bảo đảm tiến độ theo kế hoạch năm. Thứ trưởng Trần Đức Lai nhận định, do nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, dự báo năm 2014 ngân sách dành cho chương trình sẽ thấp hơn các năm trước nên tiến độ khó đạt được theo kế hoạch đã đề ra.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét