Trang

9 thg 7, 2013

Người "vác tù và hàng tổng"

Thứ ba, 09/07/2013 - 01:56 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Thương binh Nguyễn Ðình Hòe hướng dẫn giao thông trước cổng Trường THPT Ðông Hưng Hà.
Thương binh Nguyễn Ðình Hòe hướng dẫn giao thông trước cổng Trường THPT Ðông Hưng Hà.

"Những năm 1985-1990, tôi thường xuyên làm việc, ăn cơm tập thể với bác Hòe. Bác ấy là người thẳng thắn, cẩn thận và đặc biệt luôn hết mình với công việc. Chính vì thế, ai thất hẹn hay làm việc gì không nghiêm túc là bị bác ấy góp ý ngay, kể cả lãnh đạo huyện" - đồng chí Hoàng Ðức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Hưng (Thái Bình) nhớ lại.
Ðồng chí Nguyễn Ðình Hòe, sinh năm 1949, tại xã An Châu, huyện Ðông Hưng. Chúng tôi tìm về thị tứ Cống Rút gặp ông đúng dịp người dân "quê lúa" đang tất bật xây dựng nông thôn mới. Trong căn nhà mái bằng khang trang, đồng chí Hòe tâm sự: "Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi tham gia chiến đấu tại chiến trường miền đông Nam Bộ, sau đó bị thương tại mặt trận Quảng Ðức. Năm 1977, tôi phục viên về công tác tại Văn phòng UBND huyện Ðông Hưng. Năm 1990, do sức khỏe yếu, tôi nghỉ mất sức và về sống tại thị tứ Cống Rút, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà. Thời gian ấy, được vợ con chăm sóc chu đáo nên sức khỏe tôi dần ổn định và khá lên. Khi đó trong đầu tôi luôn nung nấu một ý tưởng là phải làm một việc gì đó có ích cho xã hội".
Sát căn nhà tôi đang ở là Trường THPT Ðông Hưng Hà, đồng chí Hòe kể tiếp. Hằng ngày tôi và người dân luôn chứng kiến cảnh học sinh, thanh niên đánh nhau; nhiều vụ va chạm giao thông diễn ra phức tạp, gây bức xúc cho người qua đường nhưng không có ai giải quyết. Do đó, tôi đã có ý tưởng và trực tiếp đề xuất với Ban Công an xã Hùng Dũng xin thành lập tổ tự quản gồm các cựu chiến binh trên địa bàn tham gia. Mục đích của tổ là tuyên truyền, nhắc nhở, giải quyết tại chỗ các vụ việc về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Sau đó ít ngày, xã Hùng Dũng đã thành lập được tổ tự quản với sự tham gia của bảy cựu chiến binh, tôi được bầu làm tổ trưởng. Tổ tự quản có quy chế hẳn hoi, với tên gọi: "Tổ tự quản cựu chiến binh thị tứ Cống Rút, xã Hùng Dũng".
Kể đến đây, đồng chí Hòe vội vàng nói: "Sắp đến giờ tan trường rồi, chính xác là năm phút. Nhanh, nhanh nhà báo ơi! Lát nữa xong việc nhà báo nhớ đọc lại bài "Giám đốc tự phạt mình và chiếc phong bì mừng thọ" cho tôi nghe hết đấy nhé. Tôi mới nghe đến đoạn "Xe của giám đốc chỉ là chiếc xe u-oát già nua "... Trước đó, tôi đã "trót" khoe với ông đây là bài báo đoạt giải nhất ở cuộc thi viết về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Báo Nhân Dân tổ chức lần thứ nhất. Với tác phong quân đội, chưa đầy năm phút đồng chí Hòe đã mặc xong trang phục của người tổ trưởng; trên tay đeo băng đỏ với dòng chữ: an ninh trật tự-an toàn giao thông. Bộ đồ nghề của đồng chí Hòe còn có thêm một chiếc còi và gậy hướng dẫn giao thông. Nhà đồng chí cách cổng trường khoảng 30 m. 10 giờ 30 phút đã điểm, những tiếng trống rộn ràng cất lên. Chỉ năm phút sau, hàng nghìn học sinh đã tiến tới cổng trường ra về. Dòng người ngược xuôi nhưng đi rất thứ tự, nghiêm túc. Cạnh Trường THPT Ðông Hưng Hà có một chiếc cầu nhỏ bắc qua - người dân thường gọi là cống Rút. Ðúng như lời giới thiệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình: Ðồng chí Hòe gặp ai cũng vui vẻ, tình cảm và mọi người đáp lại ông cũng thế. Từng tốp học sinh đạp xe ra, trong đó có cả giáo viên, ai gặp cũng chào ông rất thân thiện: "Cháu chào bác tổ trưởng. Chào ông tổ trưởng"...  "Chiếc cống rộng 3,5 m, một vài chiếc xe tải đi qua đúng lúc tan trường là có thể gây tắc đường hàng giờ đồng hồ nếu như không có người hướng dẫn"- đồng chí Hòe vừa hướng dẫn giao thông vừa chia sẻ với tôi. Ông nói, công việc này đã gắn bó tới nay tròn 15 năm. Dù nắng hay mưa, dù khỏe hay ốm, đồng chí đều cố gắng có mặt tại đây trước khi học sinh tan tầm.
Thật tình cờ, trong lúc tác nghiệp tại cổng trường, chúng tôi gặp thầy giáo Trần Trúc Hà là Hiệu trưởng Trường THPT Ðông Hưng Hà. Thầy giáo Hà cho biết, nhà trường thường xuyên triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm vừa qua, nhà trường tham gia hội thi kể chuyện cấp huyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một em học sinh của trường đã đoạt giải ba toàn huyện. Thầy giáo Hà tự hào: Từ ngày có tổ tự quản, đặc biệt là việc hướng dẫn giao thông tận tình của ông Hòe nên ở đây không xảy ra tai nạn, không có tình trạng học sinh đánh nhau. Sau 15 phút hướng dẫn giao thông, hơn 1.600 học sinh Trường THPT Ðông Hưng Hà đã rời cổng trường an toàn để về với gia đình. Vậy là một ngày làm việc của ông Hòe kết thúc.
Nói về tổ tự quản và thương binh Nguyễn Ðình Hòe, đồng chí Trần Ngọc Lan, Bí thư Ðảng ủy xã Hùng Dũng cho biết: Công việc tổ tự quản là hoàn toàn tự nguyện, không có lương hay phụ cấp nhưng được Ðảng bộ và nhân dân trong xã nhiệt tình ủng hộ. Các công cụ phục vụ như gậy, còi, băng đỏ, loa phát thanh đều do tổ tự quản bỏ tiền túi mua sắm để hoạt động. Từ việc làm trên, đồng chí Hòe cùng tổ tự quản được UBND huyện Hưng Hà, Công an tỉnh Thái Bình chọn làm mô hình điểm để nhân rộng ra toàn tỉnh.
Ðồng chí Ðàm Văn Vượng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Ðến nay, Thái Bình đã phát hiện hàng chục tập thể, cá nhân tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó phải kể đến thương binh Nguyễn Ðình Hòe. Ðồng chí là tấm gương tiêu biểu về nghị lực sống với nhiều việc làm bình dị nhưng cao quý giữa đời thường. Ðây là tấm gương tiêu biểu mà tỉnh Thái Bình đang kiếm tìm để biểu dương, nhân rộng. Nhờ làm tốt công tác xã hội, đồng chí Hòe nhiều lần vinh dự được Ðảng, Nhà nước, cùng các bộ, ngành, tỉnh Thái Bình ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý. Gần đây nhất, đồng chí vinh dự được đi dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc 2012 và thực hiện tốt lời dạy Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế".
BÀI, ẢNH: MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét