| ||||||
Tết đầu tiên có điện
Xã Yên Trung, huyện Thạch Thất có trên 80% là người dân tộc Mường. Cách đây vài tháng, nhiều xóm làng chưa có điện. Là xã của tỉnh Hoà Bình cũ, chuyên cung cấp điện cho quốc gia và chỉ cách Hà Nội 40km, vậy mà trong suốt thời gian dài người dân vẫn phải sống trong cảnh không điện nên đời sống còn lạc hậu. Để có ánh sáng cho con học hành, nhiều gia đình phải dùng đèn từ bình ắc quy hay đèn dầu, đèn nến. Trong căn nhà ngói khang trang, ông Nguyễn Văn Định xóm trưởng thôn Hương, xã Yên Trung tiếp chúng tôi cho biết, xã Yên Trung mới có điện hồi tháng 10-2008. Từ đầu làng đến cuối làng tiếng loa đài rộn rã, nhà nhà phấn khởi sum vầy bên mâm cỗ ngày Tết.
Từ ngày có điện, trẻ con trong thôn chịu khó học hơn. Và cũng từ đó những chiếc đèn dầu cũ kỹ mà người dân sử dụng quanh năm đã được cất đi. Chị Đỗ Thị Mai, Hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Hương tâm sự: “Gia đình tôi vui quá, nhất là năm đầu tiên ăn Tết có điện”. Ngoài hiên nhà chị có một cái trống lớn treo trang trọng ở một vị trí thuận lợi. Thấy tôi ngạc nhiên, chị Mai giải thích “Vì không có điện nên người dân đã nghĩ ra cách đánh trống để báo hiệu cho bà con biết khi họp làng, khi đi hội. Chẳng hạn muốn họp hội phụ nữ thì đánh 4 tiếng trống, họp làng đánh 3 tiếng... Ở những xã như Yên Bình, Đông Xuân, Tiến Xuân kia trước cũng dùng tiếng trống để báo hiệu, nhưng giờ chuyển sang dùng loa để thông tin rồi. Riêng thôn mình dù đã có điện, nhưng vẫn duy trì tiếng trống vì người dân đã gắn bó và quen thuộc rồi!”. Chị Mai giải thích thêm, tiếng trống ở đây rất có ý nghĩa và quan trọng nên không thể tuỳ tiện đánh. Gia đình chị phải treo ở chỗ cao để trẻ nhỏ không với tới và chị cũng thường xuyên nhắc và dạy cho các con hiểu ý nghĩa của việc đánh trống và từng tiếng trống.
Tết là ngày chung lợn
Đến chúc Tết một gia đình thuộc hộ nghèo, chị Hà cho biết: “Tết năm nay gia đình gói 10 chiếc bánh chưng. Còn bánh kẹo, mứt Tết được xã cho. Nhà có 4 nhân khẩu, năm nay được Nhà nước cho 800.000 đồng để ăn Tết nên vui lắm vì có tiền mua quần áo mới cho các con và để dành đóng học phí cho chúng nữa!”. Năm nay nhà chị “đụng” lợn với mấy nhà hàng xóm, ra giêng trả họ bằng lúa non hoặc thóc.
Ông Định trưởng thôn cho biết: “Tết của người Mường không thể thiếu thịt lợn, bánh chưng, bánh ống, rượu, chè, rau dưa... Năm nay tôi rất phấn khởi vì người nghèo cũng có tiền ăn Tết."
Theo lời ông trưởng thôn thì người dân nơi đây không đi mua thịt lợn ngày Tết, họ chủ yếu đụng lợn, và giữ thịt bằng cách muối thịt.
Tết dài phụ thuộc theo thời tiết
Nhiều người Mường nơi đây giải thích rằng : “ Tết dài hay ngắn là phụ thuộc vào thời tiết. Như năm ngoái vì thời tiết quá lạnh người dân không thể ra đồng được thì phải chờ khi nắng ấm. Năm nay nắng ấm sớm, nên mùng 4 Tết đã có nhiều người ra đồng làm ruộng chuẩn bị cấy.” Theo thông lệ ở xã Yên Trung thường tổ chức ngày Hội đầu xuân vào mùng 4, nhưng năm nay mưa nên hoãn lại sau khi bà con cấy xong vào khoảng 15 âm lịch mới tổ chức. Trong lễ hội có các môn chơi như: Bóng đá, bóng chuyền, và đặc biệt là ném còn. Một cụ bà ở trong thôn cho biết tục lệ ném còn có từ lâu đời. Trước kia ném còn có ý nghĩa là chọn bạn tình (người yêu), nhưng giờ chỉ chơi cho vui. Thời bà còn trẻ, người ta chia làm hai đội nam và nữ, ở giữa có một chiếc cột cao chừng 10m có một vòng tròn to như cái mũ. Nếu chàng trai nào ném còn lọt qua cái vòng đó mà người con gái bắt được có nghĩa là họ đã thực sự yêu nhau.
Ăn Tết vui vẻ, giờ đây người dân bắt đầu đi ra đồng để làm đất cấy vụ lúa chiêm xuân, người đi lên đồi trồng rừng, làm cỏ.
Mai Quý Tùng
|
Trang
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét