Trang

31 thg 5, 2012

Xử lý dứt điểm tình trạng “cướp bãi” nuôi ngao ở Thái Bình


Cập nhật lúc 17:07, Thứ sáu, 04/05/2012 (GMT+7)

Chủ tịch tỉnh Thái Bình: Cần xử lý nghiêm việc người dân cố tình lấn chiếm bãi triều, dựng chòi và nuôi ngao trái phép.  
NDĐT - Thời gian gần đây, tại một số xã của huyện Thái Thụy (Thái Bình) xảy ra tình trạng trạng hàng trăm hộ dân tự ý chiếm giữ trái phép bãi triều nuôi ngao, nhiều người đã xây dựng chòi kiên cố, cắm hàng ngàn cọc vây khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều này đã gây khó khăn cho việc quản lý và thực hiện quy hoạch đề án phát triển nuôi ngao ven biển của tỉnh Thái Bình.
Chúng tôi đã có nhiều ngày đi thực tế tại hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải về việc người dân tự ý cắm vây nuôi ngao trái phép. Qua khảo sát ở huyện Tiền Hải, cách đây mấy năm các tổ chức, cá nhân đã sử dụng cơ bản hết diện tích vùng bãi triều để nuôi ngao khoảng 1.700 ha.
Tương tự, gần đây hiện tượng chiếm đất, cắm vây, dựng lều, thả ngao trái phép đã xảy ra khá phức tạp tại vùng bãi triều ven biển, nhất là tại hai xã Thái Thượng và Thái Đô (Thái Thụy). Đến nay, tại xã Thái Thượng có 85 chủ hộ cắm cọc, làm vây chiếm đất nuôi ngao trái phép.
Người dân đã dựng 72 chòi hoàn chỉnh, nhiều vây đã thả ngao. Tổng diện tích đất mà chủ hộ lấn chiếm ước tính khoảng 406 ha. Tại xã Thái Đô, có khoảng 300 hộ dân đã cắm cọc, tự nhận đất với diện tích hơn 500 ha và đã dựng 24 chòi trông coi.
Anh Phạm Văn Cành là người mới “cướp bãi” cắm vây nuôi ngao “thành công” ở xã Thái Thượng cho biết: “Tôi thấy người ta lấn bãi nuôi ngao ào ào nên cũng làm. Bởi mấy năm gần đây nghề nuôi ngao ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy cho thu nhập rất cao, nhiều người đã xây nhà đẹp và mua ô tô xịn”.
Người dân xã Thái Thượng bắt đầu vây lấn bãi triều từ tháng 9-2011 rồi ồ ạt đến nay. Bây giờ bãi triều đã chật kín vây ngao. Tính từ chân đê ra biển, người dân đã vây kín bãi triều với chiều dài khoảng 3 km. Nhà tôi cắm được 4 ha, đã đầu tư tiền tỷ xuống đó, không biết tương lai sẽ thế nào.
Trước thực tế này, UBND xã Thái Thượng và xã Thái Đô đã phối hợp với bộ đội biên phòng xử lý, song hiện tại tình hình vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây mất an ninh trật tự khu vực bãi triều.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Phạm Hữu Thoại cho biết: Theo diện tích quy hoạch, huyện Thái Thụy có 1.520 ha ngao, diện tích thực nuôi hiện nay là 1320 ha. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do việc triển khai thực hiện đề án nuôi ngao thiếu đồng bộ và tiến độ chậm; cùng với đó là sự phối hợp của chính quyền địa phương với các sở, ngành chưa chặt chẽ, nhất là công tác quán triệt, tuyên truyền về các nội dung trong quy hoạch tổng thể chưa tốt, cũng như nhận thức của một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ.
Từ khi huyện Thái Thụy có chủ trương rà soát, phân loại đối tượng vi phạm trên vùng bãi triều thì có hiện tượng nhiều chòi trông ngao không có người nhận, có đối tượng còn gây rối khi lực lượng an ninh kiểm tra.
Qua điều tra, nắm thông tin và tư tưởng của cán bộ, nhân dân địa phương, chúng tôi nhận thấy, việc lấn chiếm bãi triều của nhân dân xã Thái Đô chủ yếu là các hộ sợ người dân từ nơi khác đến chiếm hết nên ra lấn chiếm để giữ đất.
Còn bên xã Thái Thượng thì có một bộ phận người dân có tư tưởng hợp thức hóa việc nuôi ngao trái phép. Phần lớn họ đã cắm cọc, một số ít đã dựng chòi và làm vây nuôi ngao.
Theo phản ánh của người dân thôn Các Đông (Thái Thượng), nguyên nhân cơ bản dẫn đến người dân ào ào cắm vây, nuôi ngao trái phép, có người còn gọi hành động này là “cướp bãi” bởi chính quyền xã chưa triển khai và lập danh sách hộ đăng ký nuôi ngao, không giao cho các thôn bản đồ quy hoạch để niêm yết công khai theo quy định...
Còn tại xã Thụy Trường và Thụy Xuân, từ năm 2007 đến nay, có ba hộ tự ý cắm vây nuôi ngao với diện tích từ 4-12 ha. Đến thời điểm này, gia đình ông Hà Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hồng và bà Lê Thị An ở những xã trên đều thống nhất tự tháo dỡ và đấu thầu đất để nuôi ngao theo quy định.
Trước tình hình này, các xã trên đã tổ chức họp Đảng ủy mở rộng, thống nhất nội dung trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án phát triển nuôi ngao, giải quyết tình hình lấn chiếm trái phép...
Được biết, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao vùng ven biển Thái Bình giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Mục tiêu đến năm 2015, diện tích nuôi ngao thịt 3.000 ha, trong đó huyện Thái Thụy 1.300 ha, huyện Tiền Hải 1.700 ha, sản lượng ngao thịt 106.000 tấn, giá trị sản xuất trên 500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 30%/năm, giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động. Đề án quy hoạch tổng thể của UBND tỉnh đã nêu rõ không gian vùng nuôi ngao của hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy.
Có thể nói chưa khi nào khu vực bãi triều ven biển huyện Thái Thụy “nóng” như bây giờ. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thái Thụy đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp và bước đầu có kết luận về việc giải quyết tình hình và triển khai thực hiện chương trình nuôi ngao vùng bãi triều ven biển.
Theo kết luận này, Ban Thường vụ Huyện ủy Thái Thụy đã đề ra năm nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân; khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo, thành lập các tổ công tác để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đến từng xã.
Đồng thời, rà soát lại quy hoạch và quy trình lập quy hoạch. Triển khai ngay các bước tiếp theo nhằm chặn đứng tình trạng vi phạm ngoài bãi triều để thực hiện việc lập quy hoạch chi tiết tại xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Đô, Thái Thượng và Thụy Trường và hoàn thành việc cắm mốc, ranh giới cho các xã trong tháng 4-2012.
Ông Thoại cho biết thêm: Hiện UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho UBND huyện Thái Thụy triển khai lập quy hoạch chi tiết. Đối với giải pháp về đất nuôi ngao, UBND huyện ưu tiên cho các hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại địa phương có năng lực về vốn và nhân lực được đấu thầu về thuê đất trong thời gian năm năm. Hạn mức cho thuê đất không quá 2 ha đối với hộ gia đình và 10 ha đối với tổ chức. Mức giá để tổ chức đấu giá cho thuê đất nuôi ngao là 10 triệu đồng/ha/năm, mức giá này được áp dụng đối với hộ gia đình và cá nhân.
Cũng theo ông Thoại, để đầu tư một vây ngao (khoảng 2 ha) không phải người dân nào ở các xã trên cũng có thể làm được vì kinh phí bỏ ra rất lớn lên tới hàng tỷ đồng. Để giải quyết được tình hình bất ổn tại bãi triều, chúng tôi đang khoanh vùng, phân loại những đối tượng đứng sau kích động người dân để “cướp bãi”.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều hộ dân sau khi cắm vây nhưng không nuôi ngao mà bán ngay cho người người khác hoặc người đứng sau kiếm lời... Qua khảo sát thực tế ở xã Thái Thượng, chúng tôi được biết nhiều hộ dân có diện tích đất “cướp bãi” triều rất lớn, từ 10 đến hơn 20 ha, nghĩa là cao hơn rất nhiều so với quy hoạch chi tiết nuôi ngao của tỉnh Thái Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Sinh cho biết: Việc phát triển thêm diện tích nuôi ngao các huyện cần làm từng bước từ nay đến năm 2020, phù hợp với các điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, khả năng chủ động về giống và thị trường...
Các huyện không nên nóng vội mở rộng ồ ạt, đề phòng rủi ro gây tổn thất cho người sản xuất và phải bảo đảm mọi hoạt động bình thường của cộng đồng dân cư... Đối với các trường hợp vây lấn trái phép vùng bãi triều ở một số xã sau ngày 5-8-2011, nghĩa là sau ngày UBND tỉnh Thái Bình ban hành quy hoạch tổng thể nuôi ngao vùng ven biển giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 cần phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét