Trang

27 thg 2, 2012

Hưng Hà, sau ngày xóa bỏ lò gạch thủ công


Cập nhật lúc 02:34, Thứ bảy, 25/02/2012 (GMT+7)

Anh Nguyễn Văn Ðán ở thôn Tiên La lo lắng bên đống gạch không bán được.  
Sau khi Báo Nhân Dân ngày 31-10-2011 đăng bài viết: "Cần xóa bỏ các lò gạch thủ công (LGTC) ở Hưng Hà" (Thái Bình), các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hưng Hà đã vào cuộc quyết liệt, xóa bỏ cơ bản số LGTC. Tuy nhiên, vấn đề ổn định đời sống và việc làm mới cho khoảng sáu nghìn lao động chuyên nghề đốt gạch ở Hưng Hà đã đặt ra một thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương...
Trở lại Ðôn Nông
Những ngày cuối tháng 2-2012, chúng tôi tìm về huyện Hưng Hà để ghi nhận những đổi thay về cuộc sống người dân sau khi xóa bỏ các LGTC.
Về các xã Ðoan Hùng, Tân Tiến và Tân Lễ... chúng tôi đã thấy sự đổi thay rõ nét. Tại xã Tân Tiến, những LGTC ống cao nhả khói ngày đêm trước đây bây giờ đã ngừng hoạt động. Còn những LGTC ống thấp bên thôn Ðôn Nông, xã Ðoan Hùng cơ  bản đã  được xóa bỏ.
Ðáng chú ý, những số gạch mộc, đất và các nguyên liệu khác vẫn còn khá nhiều, có nơi người dân chất đống to như quả núi và để lại nhiều câu chuyện hệ lụy đáng buồn. Thực tế, ở Hưng Hà có khoảng 30% số chủ lò gạch nhận thức được sự tồn tại của các LGTC là vi phạm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và cây trồng...
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Sự, là đảng viên ở thôn Tiên La (xã Ðoan Hùng). Ông Sự đã tự tháo dỡ LGTC trước Tết Nhâm Thìn 2012 sáu tháng sau khi chính quyền xã tuyên truyền, thông báo trên loa, đài về việc này. Ông Sự xây dựng LGTC từ cuối năm 2009 với kinh phí khoảng hơn 100 triệu đồng, công suất lò từ năm đến sáu vạn viên/đợt đốt. Theo ông Sự, gia đình ông đi tiên phong trong việc tự dỡ bỏ LGTC. Dỡ bỏ lò gạch xong tôi mới ngớ người khi nhẩm tính mình còn nợ ngân hàng một khoản tiền không nhỏ, khoảng hơn 50 triệu đồng. Xóa bỏ LGTC là việc nên làm, nhưng thật đáng buồn khi hai vợ chồng tôi cùng hai đứa con gái, con rể thất nghiệp - ông Sự chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ như nhà ông Sự, anh Hà Trọng Tuyển ở thôn Ðôn Nông và anh Nguyễn Văn Ðán ở thôn Tiên La (xã Ðoan Hùng) cho biết, sau khi tự giác tháo dỡ LGTC, cạnh lò nhiều nhà vẫn còn khoảng chục vạn viên gạch mộc chưa đốt. Nghĩ tới cảnh cả nhà thất nghiệp, con cái không có tiền ăn, học nên anh Tuyển đã tự ý làm lò đốt cải tiến để giải quyết nốt số gạch mộc trên. Hôm đang đốt được hai tiếng thì cán bộ xã Ðoan Hùng đến yêu cầu gia đình anh phải dập lửa và anh đã chấp hành. Sau đó cán bộ xã có nói: Số gạch của gia đình, huyện Hưng Hà đã có công văn đề nghị các nhà máy gạch tuy-nen trên địa bàn huyện mua lại. Ðiều đáng nói, đến nay hơn một tháng mà không có người của nhà máy gạch nào đến mua. Còn theo anh Ðán và một số người dân ở thôn Tiên La: Sau khi anh tự tháo dỡ LGTC, có một số người ở bên nhà máy gạch tuy-nen của huyện về hỏi mua gạch mộc nhà anh và một số hộ khác nhưng chúng tôi không bán vì quá rẻ. Anh cho biết, giá gạch mộc mà gia đình anh mua tại cửa lò để đốt là 400 đồng/viên, còn bên nhà máy gạch họ chỉ đồng ý mua với giá 250 đồng/viên nếu như chở đến nhà máy. Anh quả quyết: Khi không có việc làm, thanh niên ở thôn, xã tổ chức ăn chơi, nhậu nhẹt; số khác thì đi lên Hà Nội, Hải Phòng làm phu hồ và bất kể nghề gì có thể kiếm sống. Hiện xóm 4, thôn Ðôn Nông có khoảng 60 người rời thôn đi nơi khác làm ăn. Ước tính, những gia đình tự giác như nhà anh Tuyển, anh Ðán... thiệt hại ước tính từ 50 đến 300 triệu đồng.
Khôi phục, phát triển nghề truyền thống
Về vấn đề tái đốt gạch, giải quyết việc làm cho các chủ lò và lao động "ăn theo" ở các LGTC, Trưởng phòng Công thương huyện Hưng Hà Hoàng Minh Chính cho biết: Qua khảo sát thực tế, đến nay một số chủ lò gạch đã tái đốt gạch trở lại, gồm các xã: Tân Lễ (năm lò), Canh Tân (ba lò), Minh Tân (hai lò), Tân Tiến (bốn lò) và nhất là Ðoan Hùng có tới 16 lò. Những xe công nông, xe tự chế các loại đã bị cấm hoạt động nhưng hiện vẫn là phương tiện chính để các chủ lò gạch chở nguyên vật liệu. Quan điểm của huyện, những chủ lò gạch nào tái đốt nếu đoàn kiểm tra của huyện phát hiện sẽ kiên quyết cưỡng chế, xử phạt hành chính để không còn một LGTC hoạt động trong thời gian hết quý I-2012. Bởi lẽ, UBND huyện Hưng Hà đã thông báo việc xóa bỏ các LGTC trên địa bàn từ ngày 22-4-2010 nên không có chuyện dân nói là không biết. Trước mắt, để giải quyết số gạch mộc, đất, than của các chủ LGTC, UBND huyện Hưng Hà đã có Công văn số 41 đề nghị chủ nhà máy gạch tuy-nen mua lại cho dân và họ đã đồng ý. Còn chuyện các chủ LGTC kêu rẻ không bán là đúng nhưng huyện không thể yêu cầu phía nhà máy gạch mua theo giá mà các chủ LGTC đưa ra. Tất cả là do các bên tự thỏa thuận giá cả. Tuy nhiên, ông Chính cũng chia sẻ với nỗi khổ của người dân và đang tích cực tìm nhiều nghề mới có thể phù hợp người dân để tham mưu với UBND huyện Hưng Hà giải quyết công ăn việc làm cho họ trong thời gian sớm nhất. Ông Chính cho biết thêm: Hiện Hưng Hà đang thiếu khoảng 50 triệu viên gạch để xây dựng nông thôn mới. Do đó, huyện đang đề nghị với tỉnh cho xây dựng một số lò gạch tuy-nen, gạch không nung ở xa khu dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế địa phương.
Ðược biết, sau khi xóa bỏ LGTC, Hưng Hà có khoảng sáu nghìn lao động không có việc làm. Qua khảo sát thực tế chúng tôi được biết, tuổi lao động của các chủ LGTC và những lao động "ăn theo" khoảng từ 30 đến 50 tuổi, phần lớn là phụ nữ. Phương án đào tạo nghề, tìm hướng đi mới cho người dân trước đây làm nghề này đã và đang được huyện Hưng Hà nghiên cứu, tìm giải pháp thực hiện. Huyện hiện có bốn xã nghề được tỉnh công nhận và 45 làng nghề khác nhau, có thể nói là nhiều nhất tỉnh cho nên việc làm không thiếu. Vấn đề ở chỗ là ngày công làm gạch của người dân trước đây bình quân đạt 180 nghìn đồng, còn dệt khăn hay dệt chiếu thu nhập được khoảng 100 nghìn đồng tuy thấp hơn nhưng rất ổn định. Vừa qua, UBND huyện Hưng Hà đã giao Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội lập phương án đào tạo nghề và Phòng Công thương tăng cường tìm kiếm nghề mới có cơ chế cụ thể. Ðiều đáng mừng là HÐND huyện Hưng Hà đã thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từ ngày 1-1-2012 đến 31-12-2012. Cụ thể, huyện sẽ hỗ trợ đào tạo nghề, kinh phí mua máy dệt chiếu cói, chiếu ni-lông khoảng 10 triệu đồng cho một hộ gia đình và ba triệu đồng đối với máy dệt khăn mới. Hiện Hưng Hà có 4.700 máy dệt khăn, đầu ra sản phẩm tiêu thụ khá thuận lợi, có thời điểm không đủ bán. Không những thế, Hưng Hà còn có hơn 30 doanh nghiệp dệt may lớn, nhỏ; 68 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cho nên người dân không lo không có việc làm. 
Bài và ảnh: MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét