Trang

23 thg 11, 2011

Xây chợ Quỳnh Côi: Tắc do đâu ?


Cập nhật lúc 03:08, Thứ tư, 23/11/2011 (GMT+7)

Chợ Quỳnh Côi hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.  
Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt ngày 17-2-2011 theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Công ty cổ phần thương mại Thành Ðạt có trụ sở tại thành phố Thái Bình được UBND tỉnh lựa chọn là nhà đầu tư của dự án này. Theo kế hoạch, đầu tháng 12-2011, chủ đầu tư sẽ khởi công xây dựng. Tuy nhiên, từ khi có chủ trương xây mới chợ Quỳnh Côi (năm 2008), hơn 300 hộ kinh doanh ở đây không chấp thuận phương án đầu tư xây dựng theo hình thức BOT. Do đó, mới đây chính quyền huyện phải tạm ngừng dự án sau nhiều lần đối thoại với người dân không thành.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ Nguyễn Khắc Thận cho biết: "Năm 2008, huyện Quỳnh Phụ có chủ trương xây mới chợ Quỳnh Côi và họp hai lần với các tiểu thương để thông báo, nhưng đều vấp phải sự phản đối. Tuy nhiên, quan điểm của Huyện ủy, UBND là vẫn quyết tâm xây dựng. Ðây là hình thức xã hội hóa để xây dựng chợ; còn dựa vào ngân sách của huyện thì không có nguồn". Theo những hộ kinh doanh, xây dựng chợ khang trang, hiện đại thì ai cũng muốn. Thế nhưng, quy mô, giá thành phải tương xứng và đúng nghĩa là chợ nông thôn cấp huyện, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế địa phương. Rút kinh nghiệm như nhiều địa phương trong cả nước, nhiều chợ xây dựng xong nhưng không có người họp. Nguyện vọng của các tiểu thương là giữ nguyên chợ cũ. Nếu xây mới thì xây ở khu đất trống sát chợ cũ. Sau này chợ cũ xuống cấp thì họ sẽ cùng đóng góp sửa sang cho sạch đẹp. Nếu xây mới toàn bộ thì họ sẽ đóng góp cùng với Nhà nước để đầu tư xây dựng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ Quỳnh Côi được đầu tư xây dựng từ năm 1986, hiện đã xuống cấp, môi trường khu vực chung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Không những thế, những nguy cơ tiềm ẩn như cháy, nổ có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân bất cứ lúc nào. Chợ hiện tại không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh, phát triển thương mại của huyện trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, có quầy hàng trong chợ bức xúc: "Những hộ kinh doanh ở đây hiện đóng phí vệ sinh, chỗ ngồi cao nhất khoảng 70 nghìn đồng/tháng, thấp nhất là  hàng rau, 20 đến 30 nghìn đồng/tháng. Với giá thu như thế mà người dân đã gặp khó, huống chi xây ba tầng khang trang, thu phí cao ngất ngưởng thì người dân lấy tiền đâu ra để đóng. Họ làm thế khác nào đẩy chúng tôi vào đường cùng, ngõ cụt". Chị Nhàn quả quyết, giá thuê một ki-ốt theo dự án chợ mới thấp nhất là 150 triệu đồng/30 năm, cao nhất phải 270 triệu đồng/30 năm, với thu nhập thấp, tôi không thể lo được tiền thuê. Ðầu tư lớn như thế, người mua lại ít thì chắc chắn 367 hộ kinh doanh ở đây phải gánh toàn bộ chi phí xây dựng chợ.  Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện các cơ sở sản xuất kinh doanh ở chợ gặp rất nhiều khó khăn, quầy hàng lớn lãi nhiều nhất khoảng 200 nghìn đồng/ngày, quầy nhỏ lãi khoảng 15 đến 30 nghìn đồng/ngày.
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ Phạm Tiến Thao chia sẻ: Xây dựng lại chợ Quỳnh Côi là cần thiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà trực tiếp phát triển thương mại huyện Quỳnh Phụ. Không những thế, việc xây dựng chợ Quỳnh Côi nhằm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Quỳnh Phụ nhiệm kỳ 2010-2015, đáp ứng nhu cầu giao lưu, kinh doanh thương mại của nhân dân huyện Quỳnh Phụ. Việc xây dựng chợ Quỳnh Côi được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 02/2003/NÐ-CP ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Sau khi hoàn thành việc xây dựng chợ, nhà đầu tư được khai thác trong thời hạn được cấp có thẩm quyền quyết định, sau đó  sẽ chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất đã xây dựng cho UBND huyện quản lý. Theo thiết kế, chợ được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng. Quy mô chợ sau khi xây dựng là chợ cấp I với 508 gian hàng kinh doanh. 
Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Thành Ðạt Ðỗ Chí Lệ cho biết: "Chúng tôi  quyết định đầu tư vào dự án này, nhưng người dân không hiểu, sợ giao chợ cho tư nhân thì dân mất chợ; cho rằng giá nhà đầu tư đưa ra quá cao, dân không đáp ứng được, lại lo lắng việc cắt đất bán làm nhà ở. Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến hợp lý của người dân là không nên xây chợ với quy mô quá lớn, không phù hợp với điều kiện thực tế. Ông Ðỗ Chí Lệ khẳng định: "Công ty xây dựng chợ phải có sự đồng thuận của chính quyền và người dân.   Chợ mới có hai ki-ốt giá thuê cao nhất là 225 triệu đồng/ki-ốt trong 30 năm; còn các ki-ốt ở trong khuôn viên chợ khoảng 45 đến 60 triệu đồng/ki-ốt trong 30 năm. Với giá như vậy, chúng tôi xây hộ dân thôi chứ không có lãi. Công ty sẽ ưu tiên những hộ đang kinh doanh tại chợ được kinh doanh tại vị trí cũ, không phải di dời, đồng thời được thuê với giá niêm yết, không phải đấu thầu, giảm giá 15% với những hộ đóng trọn gói. Qua trao đổi ý kiến với lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ, chúng tôi được biết, huyện vừa thông báo với người dân tạm ngừng đầu tư xây dựng. Tuy nhiên phía huyện chưa có văn bản cụ thể tạm ngừng xây dựng đối với công ty chúng tôi. Nếu sau sáu tháng mà chính quyền huyện không giải quyết được tình trạng trên, chúng tôi sẽ dừng đầu tư  dự án này. Tính đến nay, tổng chi phí, nhân lực lập dự toán thiết kế chợ Quỳnh Côi là hơn 900 triệu đồng. Nguyện vọng người dân nêu ra là đầu tư vừa phải, hợp lý. Nếu chính quyền, người dân đồng ý chúng tôi sẽ chỉnh sửa lại mức đầu tư xây dựng cho phù hợp. Một phương án nữa, nếu người dân chỉ đồng ý cho xây dựng chợ ở khu đất trống cạnh chợ cũ chúng tôi cam kết vẫn bảo đảm tiến độ"-ông Lệ cho biết.
Việc xây dựng chợ Quỳnh Côi hiện đang gặp nhiều khó khăn vì một bộ phận người dân đang kinh doanh tại chợ không đồng tình với chủ trương xây chợ theo hình thức BOT. Ðể giải quyết vấn đề này, cấp ủy, chính quyền huyện và cơ sở phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thấy hiệu quả, lợi ích của việc xây dựng chợ; nhận thức được việc xây dựng chợ là vì quyền lợi của hơn 25 vạn người dân Quỳnh Phụ, trong đó bảo đảm lợi ích các hộ hiện đang kinh doanh tại chợ.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét