Trang

1 thg 11, 2011

Cần xóa bỏ các lò gạch thủ công ở Hưng Hà


Cập nhật lúc 02:21, Thứ hai, 31/10/2011 (GMT+7)

Các lò gạch thủ công ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) vẫn đang hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe người dân.  
Huyện Hưng Hà (Thái Bình) có 502 lò gạch thủ công, riêng thôn Ðôn Nông, xã Ðoan Hùng có tới 93 lò. Những lò gạch này hoạt động cả ngày lẫn đêm dẫn tới đường giao thông xuống cấp, môi trường ô nhiễm, sức khỏe người dân bị đe dọa... Mặc dù ngày 11-8-2011 là hạn chót chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, nhưng đến nay, các lò gạch vẫn chưa được dỡ bỏ. Vì thế, hàng nghìn người dân phải chấp nhận sống chung với khói, bụi bằng cách đóng kín cửa, đeo khẩu trang...
Qua phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về thôn Ðôn Nông, xã Ðoan Hùng - nơi có hàng trăm lò gạch thủ công đang ngày đêm hoạt động. Con đường liên thôn từ Tiên La đến Ðôn Nông dài khoảng hai km khá lầy lội. Mỗi chuyến xe chở gạch băng qua, cả đoạn đường tung bụi đặc quánh, khiến ai cũng phải rùng mình. Người ta ước tính, mỗi ngày có hàng trăm xe ô-tô, công nông cỡ lớn, nhỏ ra, vào chở nguyên vật liệu qua đây.
Bà Nguyễn Thị Ngọc ở thôn Ðôn Nông cho biết: "Không ở đâu có kiểu sản xuất gạch lạ đời như ở đây. Khu vực trục đường chính, đông dân cư của thôn bỗng dưng trở thành nơi sản xuất gạch. Nghề làm gạch thủ công ở Ðoan Hùng đến nay ước chừng 20 năm và ào ạt phát triển những năm gần đây. Nguyên nhân là những gia đình sống ở hai bên đường thấy nghề này đem lại thu nhập cao, thuận tiện vận chuyển nên họ đua nhau làm, mặc cho chính quyền, người dân phản đối". Tháng 12-2010, UBND xã Ðoan Hùng chủ trương cấm đốt gạch nhưng tình trạng này xảy ra ngày một nhiều. Qua thời gian, bãi Năm Mẫu bây giờ thành ao! Bãi tha ma Ðống Chùa bây giờ thành ruộng. Con đường từ thôn Ðôn Nông ra bãi tha ma thôn Ðống Chùa đã bị  "băm nát". Lò gạch hoạt động người dân khổ trăm bề.
Con đường của thôn dài khoảng 2 km đã bị  "băm nát"

Cùng cảnh ngộ bị khói gạch đầu độc, bà Quyết sống gần đó bức xúc: "Không hiểu vì sao chính quyền xã không giải quyết dứt điểm tình trạng này theo đúng yêu cầu của tỉnh, huyện và nguyện vọng của người dân. Lò gạch hoạt động ngày, đêm. Bao quanh nhà tôi là bốn lò gạch thủ công ống thấp khiến ông nhà tôi đổ bệnh".
Mới đây, hơn 40 hộ dân ở thôn Ðôn Nông cùng nhau làm đơn đề nghị UBND xã Ðoan Hùng đánh giá những diện tích lúa mùa của họ bị chết khô vì khói gạch. Cán bộ kỹ thuật xã đến xác nhận, nguyên nhân lúa chết không phải do sâu bệnh mà do khói từ các lò gạch. Ông Nguyễn Mạnh Hiệp bị thiệt hại 100% diện tích lúa, buồn bã cho biết: "Tính cả bên Ðông La và khu Trảng Bom (Ðôn Nông) có hơn bốn mẫu ruộng của hơn 40 gia đình chính sách có diện tích lúa bị cháy xém từ 30 đến 100%. Nhà tôi có 1,5 sào ở gần khu lò gạch năm nào cũng mất mùa, nhưng năm nay mất trắng 100% giống lúa BC 15. Ở thôn Ðống Chùa, người làm gạch còn mang cả máy xúc cỡ lớn để múc đất".
Ông Hiệp đắng lòng bên ruộng lúa bị mất trắng 100%
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xóa bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010, ngày 28-5-2010, UBND tỉnh Thái Bình ra Chỉ thị 05 về vấn đề này trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND xã Ðoan Hùng Nguyễn Ngọc Khuể cho biết: "Từ tháng 8-2010, xã đã thành lập ban chỉ đạo để xóa bỏ lò gạch thủ công. Kế hoạch đến ngày 31-12-2010 là phải giải quyết xong. Thế nhưng, khi xã họp với các chủ lò, thì các chủ lò than rằng đã dồn tiền tích tụ nhiều đất, nhiều gạch mộc cho nên xin... "gia hạn". Vậy là cơ quan chức năng phải "chiều lòng" các chủ lò gạch. Ngày 3-8-2011, đồng chí Khuể quả quyết với chúng tôi: "Ðúng ngày 11-8, tất cả các lò gạch thủ công dù còn đất hay còn gạch mộc cũng phải dừng hoạt động". Nhưng đến ngày 20-10, chúng tôi trở lại xã Ðoan Hùng ghi nhận số gạch mộc nhiều gấp ba, bốn lần so  trước thời điểm cấm. Chính quyền xã khẳng định, nếu người dân không tự nguyện dỡ bỏ chúng tôi sẽ cho người cưỡng chế, thu các phương tiện làm gạch. Tuy nhiên, theo đồng chí Khuể, để cưỡng chế được một lò gạch cũng phải mất một tháng, trong khi xã lại không có người, kinh phí để làm.
Chánh Văn phòng UBND huyện Hưng Hà Bùi Xuân Phóng cho biết: "Chúng tôi đã soạn thảo gần chục biên bản khác nhau như: xử phạt hành chính, tạm giữ tang vật, biên bản kiểm tra... đối với các chủ lò gạch vi phạm. Vì nhân dân quá bức xúc, mới đây Ban chấp hành Ðảng bộ huyện mở rộng họp khẩn về hai nội dung, trong đó tập trung tìm giải pháp xóa bỏ lò gạch thủ công. Xã Ðoan Hùng thực hiện chậm vì do năng lực lãnh đạo xã và nhận thức của người dân còn yếu. Tôi được biết, hiện một số xã cấm đào đất ban ngày thì họ thuê người đào ban đêm. Việc xóa bỏ các lò gạch chắc chắn người dân không tự tháo mà phải cưỡng chế, tìm cách tháo những lò cao, phức tạp".
Phó phòng Công thương huyện Hưng Hà Phạm Văn Thái cho biết: "Tính đến ngày 20-10, ở Hưng Hà mới giải quyết được 131 trong số 502 lò gạch thủ công, trong đó, xã Ðoan Hùng chưa xóa bỏ được lò nào (tính sau ngày 11-8)". Theo đồng chí  Thái, hiện xã Ðoan Hùng cũng như một số xã chưa báo cáo số lò vi phạm lên huyện. Ðồng chí Bùi Xuân Phóng cho biết thêm: "Hàng trăm lò gạch thủ công đang hoạt động ở huyện Hưng Hà đều là trái phép. Qua tìm hiểu ở xã Ðoan Hùng, được biết, xã hiện có hơn 20 người mắc bệnh ung thư phổi và các bệnh về hô hấp, tác nhân gây bệnh là do khói lò gạch".
Ðể trả lại bầu không khí trong lành cho các xã làm gạch thủ công ở huyện Hưng Hà, nhất là gần tám nghìn  dân cư xã Ðoan Hùng, mong các cơ quan chức năng khẩn trương có giải pháp kịp thời, đồng bộ và quyết liệt xóa bỏ các lò gạch thủ công.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét